Bạn đã từng đi du lịch ở nhiều nơi? Bạn đã được trải nghiệm và khám phá nhiều vùng đất mới? Có nhiều địa danh du lịch mà tên gọi của nó vô cùng kì lạ và gây tò mò cho bạn? Hãy cùng tìm hiểu ý nghĩa đằng sau những tên gọi của một số địa danh du lịch nổi tiếng.
1. Vắng tanh như “chùa Bà Đanh”, Kim Bảng, Hà Nam.
Tên chùa Bà Đanh dựa trên địa danh thôn Đanh nơi chùa tọa lạc và sự vắng vẻ khó hiểu một chốn linh thiêng trang nghiêm bậc nhất. Để lý giải cho thành ngữ “Vắng tanh như chùa Bà Đanh”, nổi tiếng nhất là giả thuyết do khi xưa chùa Bà Đanh nằm ở vị trí u tịch, xa dân cư, ba mặt là sông, rừng rậm chắn, lối đi độc đạo, lại có nhiều thú dữ nên không ai dám vào. Cách duy nhất an toàn là chèo thuyền qua sông Đáy nhưng vì bất tiện nên người hành hương thưa thớt. Ngoài ra, chùa Bà Đanh rất linh thiêng, người đi đường nếu dám cười cợt, bất kính dù chỉ 1 câu cũng sẽ bị trừng phạt nặng nề. Chính vì lẽ đó mà càng ngày càng ít người dám đến thờ cúng do sợ “vạ từ miệng mà ra”. Chùa Bà Đanh được xem là một trong những ngôi chùa đẹp và cổ kính nhất Hà Nam nói riêng và của miền Bắc.
2 Mũi Né – “Mũi đất né tránh những cơn bão biển”
Đây là cách lý giải khá phổ biến cho tên gọi “Mũi Né”. “Mũi” là một phần đất lớn nhô ra biển. “Né” có nghĩa là né tránh. Có thể nói đây chính là vùng đất mà khi xưa ngư dân thường tìm đến để né tránh những cơn bão biển. Một cách lý giải khác gắn liền với sự tích công chúa Chuột – công chúa út của vua Chăm, tên là Né. Tương truyền khi xưa vùng đất này của người Chăm, lau sậy mọc um tùm. Năm 16 tuổi cô công chúa bị mắc bệnh nan y. Về sau chọn Hòn Rơm xây dựng miếu am nương theo cửa Phật, lấy biệt danh là Bà Nà Né. Lâu dần người dân đọc trại thành Mũi Né.
Dù là cách lý giải nào thì cũng không phủ nhận rằng, Mũi Né chính là thiên đường nghỉ dưỡng, là một trong những điểm du lịch hấp dẫn du khách mỗi khi đến Bình Thuận.
3. Huyền bí tên gọi “Đồi thông hai mộ” giữa núi rừng Đà Lạt
Nhắc đến Đà Lạt, địa danh Đồi Thông Hai Mộ không còn xa lạ với du khách bởi cái tên vô cùng huyền bí và pha chút “rùng rợn” này. Thật ra, nơi đây gắn liền với câu chuyện tình buồn nổi tiếng về mối tình đau đớn nhất miền Nam trước năm 1975 giữa chàng trai Vũ Minh Tâm và cô gái Lê Thị Thảo. Yêu nhau sâu đậm nhưng lại không thể đến với nhau, cuối cùng, chỉ có cái chết mới khiến họ bên nhau mãi mãi. Ngôi mộ của họ được xây dựng dưới chân đồi thông thoai thoải nên được gọi là Đồi Thông Hai Mộ, hồ Sương Mai bên đồi được đổi thành hồ Than Thở. Một chuyện tình buồn vượt thời gian cùng không gian trầm mặc mang vẻ đẹp u buồn trữ tình đã tạo nên sức hấp dẫn riêng cho nơi này.
4. Lạ lùng truyền thuyết kho báu bị lãng quên – “Đảo Hải Tặc” Hà Tiên, Kiên Giang
Nằm cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh khoảng 350km, tuy không nổi tiếng như Phú Quốc, Nam Du hay Bà Lụa nhưng quần đảo Hải Tặc lại mang một sức cuốn hút khó cưỡng, không chỉ toát ra từ tên gọi mà còn bởi vẻ đẹp hoang sơ, kỳ bí.
Quần đảo này được biết đến vào khoảng cuối thế kỷ 17, từng là căn cứ của hải tặc “Cánh Buồm Đen” khét tiếng với nhiều câu chuyện kỳ bí có liên quan đến nạn cướp biển. Đảo Hải Tặc còn được cho là nơi cất giấu kho báu. Lời kể về một tấm bản đồ 300 tuổi chỉ dẫn đến kho báu cất giấu trên đảo, cùng một lượng lớn tiền cổ tìm được ở đây càng khiến đảo Hải Tặc trở nên đặc biệt hơn. Có lẽ vì như vậy mà người dân đặt tên là đảo Hải Tặc cho tới ngày nay.
Mỗi địa danh, mỗi cách lý giải tên gọi khác nhau. Nhưng không thể phủ nhận, chính nhờ một phần trong sự độc đáo và kì lạ đằng sau ý nghĩa tên gọi của những địa danh ấy lại trở thành sự hấp dẫn kích thích sự tò mò và gây ấn tượng mạnh đối với du khách trong chuyến du lịch của mình.