Thành phố Đà Lạt được ví như một bảo tàng kiến trúc châu Âu với nhiều công trình kiến trúc độc đáo và giá trị. Những công trình kiến trúc nổi tiếng nơi đây phần lớn được xây dựng dưới thời thuộc địa, chịu ảnh hưởng của những trường phái kiến trúc chính thống ở châu Âu như kiến trúc Roman, kiến trúc Gothic, kiến trúc tân cổ điển Pháp…
Sau năm 1954, kiến trúc Đà Lạt có thêm sự góp mặt của những công trình do các kiến trúc sư Việt Nam thiết kế, mang dáng dấp hiện đại với những đường nét thanh mảnh hơn, tạo nên sự đa dạng cho hệ thống các công trình kiến trúc ở Đà Lạt.
Trong những công trình kiến trúc đó, trường Cao Đẳng Sư Phạm Đà Lạt, ga Đà Lạt, nhà thờ Con Gà, khách sạn Dalat Palace,…là những công trình kiến trúc tiêu biểu nhất, góp phần tạo nên dấu ấn của thành phố cao nguyên thơ mộng này.
Trường Cao Đẳng Sư Phạm Đà Lạt
Trường Cao Đẳng Sư Phạm Đà Lạt được hình thành từ 2 trường: Petit Lycée và Grand Lycée. Ban đầu có tên gọi là trường Lycée Yersin, về sau trường đổi tên thành Trung tâm Giáo dục Hùng Vương, hiện nay là Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt.
Đây là một ngôi trường có kiến trúc độc đáo được xây dựng vào những năm 30 của thế kỷ XX, ảnh hưởng bởi lối kiến trúc tân cổ điển. Toàn bộ công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn châu Âu, nhưng cũng được kết hợp cùng nhiều chi tiết kiến trúc bản địa tạo nên một công trình kiến trúc có sự hòa hợp giữa đông và tây.
Trường có khuôn viên rộng khoảng 22,3 ha, nằm gần hồ Xuân Hương. Toàn bộ trường được bố cục chặt chẽ, tầng trệt để trống làm sân chơi trong nhà, tầng lầu gồm các lớp học.
Khối lớp học “uốn mình” theo một đường cung tròn mềm mại ôm lấy khoảng sân rộng và một tháp chuông lợp ngói thạch bản cao 54m, như một dấu ấn mạnh mẽ hình cây bút vươn cao giữa rặng thông xanh, soi bóng xuống mặt hồ Xuân Hương thơ mộng.
Khối hành chính, khối lớp học và phòng thí nghiệm được thiết kế theo lối kiến trúc Thụy Sĩ. Riêng dãy nhà nghỉ, nhà giặt, phòng hội trường,…lại được thiết kế theo dạng kiến trúc thông dụng của các trường học ở Pháp.
Song song với hai dãy hành chính là hai dãy nhà có kết cấu và trang trí mặt đứng đơn giản hơn, vừa dùng làm phòng học, vừa dùng làm ký túc xá cho sinh viên. Vuông góc với các dãy nhà trên là hội trường, phòng thí nghiệm,… Lối đi giữa các khu được nối bằng những dãy hành lang có mái che bằng bêtông lượn sóng, góp phần tạo nên sự hài hòa cho tổng thể.
Kiến trúc của Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt đã được các kiến trúc sư và các nhà nghiên cứu kiến trúc nổi tiếng trên thế giới trong Hiệp hội Kiến trúc Quốc tế (UIA) công nhận là một trong số 1 000 công trình kiến trúc tiêu biểu của thế giới trong thế kỷ XX.
Ngày 28/12/2001, Bộ Văn hoá – Thông tin đã công nhận Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt là Di tích Kiến trúc Quốc gia.
Ga Đà Lạt
Ga Đà Lạt do kiến trúc sư Revéron thiết kế dựa theo hình thức kiến trúc Anglo-Normand mới, chịu nhiều ảnh hưởng của kiểu kiến trúc hiện đại. Công trình khởi công năm 1932 và hoàn thành năm 1938.
Toàn bộ khu vực ga nằm trên một khu vực bằng phẳng và rộng rãi. Nhà ga có chiều dài 66m, chiều rộng 11,5m, chiều cao đại sảnh 11m. Mặt bằng được tổ chức theo nguyên tắc gần như đối xứng qua một trục vuông góc với mặt tiền: một phòng lớn ở giữa và các phòng phụ nhỏ nối dài sang hai bên.
Bố cục đối xứng thể hiện ở tất cả các bộ phận kiến trúc: ở mái ngói đỏ cao vút, những phần mái gấp, mái bẻ góc và ở những ô cửa sổ,… Sự đồ sộ của công trình thể hiện rõ trên mặt cắt: hệ vì kèo đỡ mái bằng bê tông cốt thép có chiều cao hơn 6m, bằng với chiều cao của không gian sử dụng chính.
Ấn tượng nhất vẫn là toàn bộ khối mái công trình với 3 chóp mái tiếp nối liền nhau chạy suốt từ đỉnh xuống bờ mái ở lối vào sảnh chính. Phía dưới của chóp mái có gắn nổi dòng chữ DALAT khá lớn.
Tương ứng với 3 chóp mái là 3 cửa sổ với nhiều ô kính nhỏ, tạo nên sự khoáng đạt cho mặt tiền và cho cả tòa nhà.
Tất cả các chi tiết trang trí đều đơn giản nhưng vẫn toát lên vẻ hiện đại của tổng thể công trình. Không gian nội thất được chiếu sáng lung linh bởi các ô cửa kính nhiều màu ở phần chân mái. Phòng chờ của hành khách có một không gian rộng lớn với các góc cạnh và đường nét thẳng tắp tạo cho công trình sự đồ sộ, uy nghi nhưng cũng thật giản dị.
Trước đây, nhà ga Đà Lạt đã từng được đánh giá là một trong những nhà ga đẹp nhất Đông Dương. Ngày 28/12/2001, Bộ Văn hoá – Thông tin đã ra quyết định công nhận ga Đà Lạt là Di tích Kiến trúc Quốc gia.
Khách Sạn Dalat Palace
Khách sạn Dalat Palace trước kia còn có tên gọi là Langbian Palace đã được khai trương vào năm 1922, nhằm trang bị cho “Thủ phủ Đông Dương” một nơi đón tiếp du khách có đầy đủ tiện nghi.
Khuôn viên khách sạn Dalat Palace rộng đến 40 320 m2, là công trình có một cảnh quan kiến trúc tuyệt đẹp: bên cạnh là khuôn viên nhà Thủy Tạ, hồ Xuân Hương, đồi Cù,… được thiết kế có mặt tiền hướng về phía núi Lang Biang. Có một hệ thống bậc thang trải dài theo sườn đồi, từ phía Hồ Xuân Hương kéo dài đến lối vào chính làm cho khách sạn Palace thêm phần đồ sộ, độc đáo.
Khách sạn Palace được xây dựng theo kiểu kiến trúc hiện đại kết hợp với trường phái cổ điển. Khách sạn gồm 3 tầng, phần tầng trệt nhô cao hơn mặt sân để tạo thêm một tầng hầm và lối vào với hệ thống bậc thang sang trọng.
Các phòng khách, phòng họp có diện tích rộng, trang trí sang trọng, nhưng vẫn giữ được cảm giác ấm cúng. Phòng ngủ được sắp xếp theo bố cục nội thất của các “Palace” Tây phương, với lò sưởi đốt củi và các tiện nghi sinh hoạt hiện đại.
Bên cạnh các phòng ngủ còn có phòng khánh tiết dùng cho hội họp, tiếp kiến, họp báo có không gian rộng rãi, sang trọng.
Nếu có cơ hội nghỉ dưỡng tại đây, du khách sẽ thấy một khách sạn Palace tọa lạc trên một ngọn đồi nhỏ nhìn xuống hồ Xuân Hương rất thơ mộng và nguy nga như một tòa lâu đài nổi bật giữa những rặng thông xanh ngát. Ghi dấu một công trình kiến trúc mang đậm phong cách kiến trúc châu Âu đầu thế kỷ XX.
Nhà thờ Con Gà
Nhà thờ Chính tòa Ðà Lạt còn có tên gọi khác là nhà thờ Con Gà vì trên đỉnh tháp chuông có hình con gà lớn. Đây là nhà thờ lớn nhất Đà Lạt, một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu và cổ xưa nhất của thành phố này do người Pháp để lại.
Nhà thờ nằm trên đường Trần Phú được thiết kế theo kiểu mẫu của các nhà thờ Công giáo Roma ở châu Âu, tiêu biểu cho trường phái kiến trúc Roman.
Mặt bằng nhà thờ theo hình chữ thập có chiều dài 65m, rộng 14m, tháp chuông cao 47m. Cửa chính của nhà thờ hướng về núi Langbiang.
Nội thất nhà thờ gồm 3 gian: 1 gian lớn ở giữa và 2 gian nhỏ ở hai bên. Mặt đứng với phần tháp chuông vươn cao. Những đường nét, chi tiết trên mặt đứng của công trình hoàn toàn phỏng theo nguyên gốc của các kiểu mẫu châu Âu. Cửa sổ có vòm cung tròn có đường nét mạnh mẽ, dứt khoát, mái lợp ngói thạch bản, đặc biệt là tỷ lệ giữa các mảng khối rất hài hoà và chặt chẽ.
Trên tường phía trong được gắn các bức phù điêu với kích thước 1m x 0,8m, làm bằng vật liệu xi măng và sắt. Riêng phần tường ngoài luôn được quét sơn màu hồng, càng tôn thêm sự trang nghiêm của một công trình kiến trúc tôn giáo.
Trên thánh giá có tượng một con gà bằng hợp kim nhẹ rỗng có thể quay quanh một trục để chỉ hướng gió. Người dân bản xứ kháo nhau rằng con gà là đài dự báo thời tiết rất hiện đại, khi con gà quay người ta đoán được khi nào thì gió mưa hay nắng tạnh.
Vào dịp Lễ Giáng sinh hàng năm, nhà thờ Con Gà đã thu hút rất nhiều du khách cả theo đạo và ngoài đạo đến tham quan.
Biệt điện Trần Lệ Xuân
Biệt điện Trần Lệ Xuân tọa lạc trên đồi Lam Sơn, được khởi công xây dựng vào năm 1958 với diện tích khoảng 13 000m², là một biệt điện sang trọng với nhiều tiện nghi hiện đại, là nơi thể hiện đỉnh cao về sự uy quyền, giàu sang của chủ nhân ngôi biệt điện này.
Khu biệt điện này từng được mệnh danh là “đệ nhất trời Nam” gồm 3 biệt thự hoành tráng là: Bạch Ngọc, Lam Ngọc và Hồng Ngọc được xây dựng với những mục đích khác nhau.
Biệt thự Bạch Ngọc là nơi giải trí của gia đình Trần Lệ Xuân và các tướng tá. Biệt thự này tráng lệ nhất, có mặt tiền hướng về đường Yết Kiêu, có hồ bơi nước nóng phía trước. Nội thất bên trong của biệt thự Bạch Ngọc khá hiện đại, gồm có phòng họp, phòng làm việc, khiêu vũ, trang điểm,…
Biệt thự Lam Ngọc là nơi nghỉ cuối tuần của gia đình Trần Lệ Xuân, có hướng quay về biệt thự Bạch Ngọc và được thiết kế gấp khúc, với nhiều phòng ốc nối nhau. Tất cả các phòng đều được trang bị hệ thống lò sưởi kiểu Pháp hiện đại vào bậc nhất thời đó. Tại Lam Ngọc, còn có một đường hầm thoát hiểm nội bộ và hầm trú ẩn với sức chứa khoảng 10 người có nắp đậy bằng thép. Hầm không sâu nhưng rộng, với nhiều kệ sách và két sắt bên trong.
Biệt thự Hồng Ngọc có diện tích nhỏ hơn cả và nằm khá tách biệt, là quà tặng của Trần Lệ Xuân dành cho cha mình.
Trong khuôn viên biệt điện Trần Lệ Xuân có khu vườn mang đậm phong cách Nhật với những thảm cỏ, bãi đá, những loại hoa lạ và đẹp của Đà Lạt. Hồ hoa sen tuyệt đẹp của biệt điện có sự hòa hợp một cách kỳ lạ với các biệt thự và rừng thông xung quanh.
Vào ban ngày, đến đây du khách sẽ được chiêm ngưỡng toàn bộ nét đẹp của khu biệt điện, cùng những con đường nhỏ uốn cong, những ngôi nhà ẩn hiện trong màu xanh của thông. Vào ban đêm, bạn sẽ có những trải nghiệm thú vị nếu được thưởng thức một cốc trà nóng trong không gian đẹp, sang trọng và không kém phần lãng mạn của biệt điện nổi tiếng này.
Hiện nay, biệt điện Trần Lệ Xuân đã trở thành Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, là nơi tái hiện sinh động cuộc đấu tranh kiên cường trong cuộc chiến giành độc lập của Tây Nguyên và là nơi bảo quản khối tài liệu Mộc bản triều Nguyễn từng được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới.
Ngoài những công trình kiến trúc trên, du lịch Đà Lạt du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng nhiều công trình kiến trúc độc đáo khác như: nhà hàng Thủy Tạ, nhà thờ Domaine, xí nghiệp Bản Đồ Đà Lạt, thiền viện Trúc Lâm, trường Dân Tộc Nội Trú, trường Đại Học Đà Lạt, dinh Bảo Đại,…
Thành phố cao nguyên đầy thơ mộng này còn rất nhiều điều thú vị đang chờ đón quý khách. Hãy đăng kí tour du lịch Đà Lạt ngay hôm nay để trải nghiệm tất cả những điều thú vị trên địa danh được ví như “một Pari thu nhỏ” này. Liên hệ: (028) 35 144 132 – 0913 715 360 hoặc truy cập website: www.dulichbennghe.vn để biết thêm thông tin chi tiết.