Bên cạnh những loại hình du lịch như: du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch homestay, …du lịch sinh thái làng nghề đang dần phát triển và góp phần làm phong phú, đa dạng thêm các loại hình du lịch ở nước ta.
Ở miền tây, du lịch sinh thái làng nghề ngày càng thu hút nhiều du khách. Tham gia những tour du lịch này du khách không chỉ được hòa mình vào không gian làng quê yên bình, mà còn có cơ hội tìm hiểu những quy trình sản xuất đầy thú vị của các làng nghề truyền thống và hiểu hơn những phong tục tập quán của người dân địa phương nơi bạn đi qua.
Đôi nét về loại hình du lịch làng nghề tại Việt Nam
Du lịch sinh thái làng nghề là loại hình du lịch văn hoá tổng hợp đưa du khách tới tham quan các làng nghề truyền thống. Tham gia các tour du lịch làng nghề du khách sẽ có dịp được khám phá, tìm hiểu quy trình kỹ thuật của nghề. Đồng thời bạn sẽ hiểu rõ hơn về những phong tục, tập quán của người dân của địa phương đó.
Hiện nay, du lịch sinh thái làng nghề ngày càng hấp dẫn du khách và đang là một hướng phát triển du lịch ở Việt Nam. Bên cạnh những lợi ích về kinh tế, xã hội, hình thức du lịch này còn góp phần bảo tồn và phát huy những bản sắc văn hoá độc đáo của từng vùng miền, địa phương.
Tiềm năng của du lịch sinh thái làng nghề tại Việt Nam
Bên cạnh việc góp phần vào phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương thì làng nghề truyền thống đã và đang trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển du lịch. Đặc biệt là ở những làng nghề thủ công truyền thống.
Hiện nay, mô hình phát triển du lịch sinh thái làng nghề đang trở thành hướng đi mới trong quá trình phát triển du lịch Việt Nam.
Đa số các làng nghề thường nằm trên trục đường giao thông, là điều kiện thuận lợi để lưu thông hàng hóa và rất thuật tiện trong việc tổ chức các tour du lịch.
Khi tham gia tour du lịch sinh thái làng nghề, du khách không chỉ được ngắm phong cảnh du lịch làng quê mà còn được thăm nơi sản xuất, thậm chí có thể tham gia vào một phần quá trình tạo ra sản phẩm.
Vùng đất Nam bộ có rất nhiều lợi thế để phát triển loại hình du lịch này. Các làng nghề ở đây không chỉ sản xuất, kinh doanh, mà còn là nơi tổ chức sinh hoạt cộng đồng, mang sắc thái văn hóa riêng biệt. Do đó các làng nghề nơi đây luôn là điểm đến được nhiều du khách lựa chọn khi muốn khám phá nhiều hơn nữa những nét độc đáo, văn hóa và kĩ thuật làm nghề truyền thống của người dân nơi đây.
Các làng nghề tiêu biểu ở miền Tây
Làng chiếu Long Định, Tiền Giang
Làng Long Định, Châu Thành, Tiền Giang nổi tiếng khắp vùng Tây Nam Bộ với nghề dệt chiếu hoa.
Về với mảnh đất Tiền Giang, đi qua Quốc lộ 1, qua ngã ba Trung Lương du khách sẽ gặp làng dệt chiếu Long Định.
Ngay từ đầu làng, bạn sẽ thấy những chiếc chiếu và cói phơi đầy hai bên đường rất rực rỡ. Tham quan làng chiếu này, du khách được chứng kiến từng đám cói trắng ngà được nhuộm thành màu xanh, đỏ, tím, vàng… phơi khô dưới ánh nắng. Khắp làng, đều rộn ràng lách cách tiếng thoi đưa dệt chiếu.
Kĩ thuật của làng chiếu Long Định do các cư dân vùng chiếu nổi tiếng Kim Sơn – Ninh Bình di cư vào năm 1954 truyền lại. Vì thế, kĩ thuật làm chiếu ở đây cũng có nhiều nét khác biệt so với kĩ thuật làm chiếu thường thấy ở các làng nghề khác trong miền nam.
Tuy sản xuất bằng phương pháp thủ công, gặp nhiều khó khăn nhưng người làm chiếu ở Long Định vẫn chịu thương chịu khó bám trụ với nghề.
Hiện nay, ở Long Định có khoảng gần 1000 hộ dân mưu sinh bằng nghề dệt chiếu, giải quyết được việc làm cho khoảng vài ngàn lao động ở địa phương.
Các sản phẩm của làng chiếu Long Định rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Không chỉ tiêu thụ ở thị trường trong nước, chiếu Long Định còn xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Nhật, Mỹ…
Để sản phẩm ngày càng đáp ứng nhu cầu thị hiếu của thị trường, hiện nay, ngoài sản phẩm chiếu cói truyền thống, dân làng Long Định còn nghiên cứu làm thêm sản phẩm chiếu bằng thân cây lục bình phơi khô.
Năm 2007, tỉnh Tiền Giang đã quyết định chọn làng nghề dệt chiếu Long Định làm làng nghề điểm của tỉnh. Sau khi được công nhận làng nghề và đầu tư cơ sở hạ tầng, nghề làm chiếu đã trở thành nguồn thu nhập chính trong đời sống của người dân Long Định.
Làng rượu Gò Đen, Long An
Làng rượu Gò Đen tại thị tứ Gò Đen, Phước Lợi, Bến Lức, Long An nổi tiếng là nơi sản xuất ra loại rượu vô cùng thơm ngon. Rượu đế Gò Đen có từ thời Pháp thuộc và được mệnh danh là “đệ nhất tửu”.
Tới tham quan làng nghề này, du khách sẽ được chứng kiến phương pháp ủ và pha chế để chế biến ra loại rượu thơm ngon nức tiếng gần xa.
Để tạo ra được một hũ rượu thơm ngon thì khâu chuẩn bị rất công phu. Người dân Gò Đen phải chăm chút từng hạt nếp, tuyển chọn từng gói men, cẩn thận trong từng động tác chế chưng cất, pha chế.
Thông thường, người ta chọn những loại nếp hạt tròn, mẩy, có mùi thơm,trắng đục và đều. Gạo được nấu thành cơm nếp, để nguội thì rắc men vào ủ bằng loại men mài rễ thảo mộc hoặc men từ các vị thuốc bắc: quế khâu, đinh hương, trần bì,… Thời gian ủ men truyền thống mất khoảng gần một tuần.
”Mỹ tửu” Gò Đen chinh phục người uống bởi rượu rất trong, cay nồng và hương thơm dìu dịu làm khao khát lòng người uống.
Làng cốm dẹp Ba So, Trà Vinh
Trải qua hơn 50 năm thăng trầm, đến nay làng làm cốm dẹp ở ấp Ba So thuộc xã Nhị Trường, Cầu Ngang, Trà Vinh vẫn tồn tại và phát triển.
Đa số hộ dân nơi đây đều làm cốm dẹp. Trước kia, vào khoảng tháng 10 (âm lịch) người dân Ba So mới sản xuất cốm dẹp, nhưng hiện nay cốm dẹp được sản xuất quanh năm. Thời điểm làng nghề cốm dẹp Ba so bận rộn nhất trong năm là mùa lễ hội Ok Om Bok của đồng bào Khmer.
Tới tham quan làng nghề này, du khách sẽ thấy, để có được hạt cốm dẻo thơm, người làm cốm phải đổ không ít mồ hôi, công sức.
Những loại nếp được chọn để làm cốm phải là nếp thuần chủng, ngon nhất của Long An. Nếp sau khi gặt và đem về lựa chọn những hạt nếp to, rang cho nóng đều, khi hạt nếp vừa nở sẽ bỏ vào cối giã. Mỗi mẻ cốm cần 4 người, trong đó có 2 người cầm chày giã cốm, một người đảo, trộn cốm và một người sàng lọc cốm cho sạch bụi bẩn.
Bí quyết để có hạt cốm ngon thì trước tiên là chất lượng nếp, sau đó là công đoạn giã. Theo những người giã cốm khéo nhất ở làng Ba So thì giã cốm ban đầu phải nhẹ tay để vỏ hạt nếp tách ra, dần về sau đập càng mạnh.
Dù phải lao động nặng, đứng trước bếp than hồng rất nóng và vất vả, nhưng vì cuộc sống mưu sinh và lòng yêu nghề nên người dân Ba So vẫn gắn bó và gìn giữ nghề làm cốm dẹp truyền thống mà ông bà đã truyền lại.
Làng lụa Tân Châu, An Giang
Từ xưa, vùng đất Tân Châu đã nổi tiếng với nghề ươm tơ dệt lụa, nơi đây đã tạo nên thương hiệu lụa Mỹ A nổi tiếng một thời.
Trước kia, ở Tân Châu, người ta dệt lụa theo khung dệt cổ. Khổ vải dệt ra chỉ rộng khoảng bốn tấc, khi may quần áo phải nối vải nên không đẹp. Dần dần, làng nghề tạo ra khung dệt khổ 8 tấc, 9 tấc, đồng thời nghiên cứu làm cho lụa đẹp hơn, bền hơn với nhiều hoa văn tinh xảo như: cẩm tự, hoa dâu, hoa cúc, mặt võng, mặt đệm,…
Vào những thập niên 1960, ở Tân Châu đã có hàng trăm nhà dệt quy mô lớn nhỏ khác nhau. Nhiều nhà dệt tiếng tăm còn mãi đến bây giờ như: Đỗ Phước Hòa, Trần Văn Tôn, Trịnh Thế Nhân, ,…Một số gia đình còn có con cháu nối nghiệp đến ngày nay.
Sau những bước thăng trầm, làng nghề tơ lụa Tân Châu nay lại được vực dậy. Hiện nay, làng nghề này còn nhập thêm kén ươm từ Bảo Lộc, Lâm Đồng về để đáp ứng sản xuất.
Dù sản lượng chưa lớn, nhưng chất lượng tơ lụa Tân Châu thì đã ngang tầm với chất lượng ở những quốc gia có ngành tơ lụa phát triển. Những sản phẩm bền và đẹp như hiện nay là kết quả của cả một quá trình người dân Tân Châu không ngừng học hỏi và luôn tìm ý tưởng sáng tạo nên những mẫu mã mới, đặc trưng.
Tới tham quan làng nghề độc đáo này, du khách sẽ được tìm hiểu về lịch sử phát triển tạo nên lụa Mỹ A nức tiếng gần xa và quy trình tạo ra những tấm lụa mượt mà, hiếm nơi nào có được.
Miền Tây còn vô số những làng nghề truyền thống, hứa hẹn sẽ đem lại cho bạn những chuyến tham quan, khám phá đầy thú vị và ý nghĩa. Thông tin đăng kí về tour du lịch sinh thái làng nghề, vui lòng liên hệ: Công ty CP Du lịch Bến Nghé, (028) 3840 5160 – 3840 5161 hoặc truy cập www.dulichbennghe.vn để biết thêm thông tin.