Phan Thiết đã làm say mê biết bao nhiêu du khách thập phương. Chỉ cần một lần ghé nơi đây, phong cảnh hữu tình của những bãi cát mịn hòa theo sóng biển cùng hàng phi lao nghiêng bóng trải dài và sự thân thiện, hiếu khách của người dân địa phương cũng đủ để khiến bạn luôn mong muốn sẽ quay lại để đi Tour du lịch Phan Thiết thật nhiều lần hơn nữa.
Tôi khởi hành chuyến đi của mình vào một buổi sớm tinh mơ khi những giọt sương còn đọng trên cành lá, ánh bình minh còn chưa ló dạng. Men theo đại lộ Đông Tây vi vu từng cơn gió thổi đã làm quên đi cái oi bức nắng nóng của Sài Gòn hoa lệ.
Xe rẽ tới đường hầm Thủ Thiêm vượt con sông Sài Gòn lớn ngút ngàn. Lòng hầm phát ra thứ âm thanh ồ ồ. Cứ như là giọng nói sang sảng oai vệ của ông lái đò trong thiên tùy bút “Người lái đò Sông Đà” của nhà văn Nguyễn Tuân, không hổ danh là một công trình quy mô lớn nhất Đông Nam Á. Bỏ lại căn hầm lớn sau lưng, xe bon bon trên con đường mới mở quận 2 ra tới xa lộ Hà Nội, đi thêm một quãng thì đến địa phận Đồng Nai. Dừng chân ở Trảng Bom tôi làm một tô phở nóng. No lòng rồi mới bắt đầu đi tiếp.
Tới Bình Thuận ngang qua những dãy đồi Bà Nài bạn đừng quên ghé thăm tháp chàm Po Sah Inư gắn liền với tên của vị công chúa tài hoa và xinh đẹp của vương quốc cổ chăm pa hay tạt qua Lầu Ông Hoàng một thời vang tiếng, ngôi biệt thự huy hoàng đã hoang phế theo thời gian nhưng vẫn còn đó một mối tình tuyệt đẹp.
Nơi in dấu chân của chàng thi nhân tài hoa Hàn Mặc Tử cùng nàng Mộng Cầm dạo bước nơi đây. Để lặng lòng lắng nghe từng câu thơ được chàng khắc họa với tất cả nỗi niềm thương nhớ:
“… Lang thang tìm tới chốn Lầu Trăng
Lầu Ông Hoàng, người thiên hạ đồn vang.
Nơi đã khóc, đã yêu thương da diết…”
Hòn Rơm có hàng dừa cao mát rượi trĩu quả vươn mình in bóng trên mặt biển xanh. Ánh chiều dương tà tà rũ xuống phố thị đèn hoa rực rỡ. Nếu bạn nghĩ đêm ở các khách sạn resort quanh biển hãy dành một chút thời gian để dạo bước ngắm nhìn cảnh biển về đêm. Thấp thoáng xa xa bạn sẽ thấy những đóm sáng đèn của những chiếc thuyền thúng bấp bênh bồng bềnh trên sóng nước nơi ngư dân chài lưới đang chăm chỉ làm việc.
Mặt trời đỏ từ từ nhô lên mặt biển, mang đến cho Phan Thiết một ngày mới bắt đầu. Tôi thức dậy thật sớm để lắng nghe hơi thở của một làng chài nhộn nhịp, để tìm hiểu xem cách họ buôn bán ra sao? Những chiếc thuyền thúng đầy ắp ghẹ, cá, tôm sau một đêm đánh bắt ngoài khơi đang lần lượt tấp vào bờ buôn bán hải sản náo nhiệt.
Lẫn trong tiếng kì kèo qua lại giữa kẻ bán người mua vẫn còn đâu đó một vài người đang chờ đợi những chiếc thuyền sau cập bến. Bạn có thể mua chúng theo dạng: thau đầy ắp cá tươi hay cân kí cá đem về tùy theo thỏa thuận.
Tôi đi cùng người bà con ở Phan Thiết ăn cơm tấm xứ biển nhưng đặc biệt ở chỗ nước mắm nơi đây họ lại làm ngọt gắt. Khi ăn vào cứ như ta đang uống nước ngọt vậy. Tôi có thắc mắc hỏi thì được cô chị họ giải thích rằng: “vì dân quanh vùng suốt ngày gắn với biển nên cái mặn nó thấm vào người lâu rồi, thành ra đồ ăn thì mới làm ngọt như vậy.”
Sau bữa cơm sáng đặc biệt tôi theo chị đến Trường Dục Thanh nằm trên con đường Trưng Nhị, thành phố Phan Thiết – một nơi lưu dấu ấn của vị lãnh tụ tài ba đã từng dạy học và gắn bó với vùng biển miền Trung đầy nắng gió. Chị nói: “Nhắc đến Bình Thuận là nhắc đến cồn cát đẹp như tranh, nhắc đến Dục Thanh, Kê Gà, Tà Kú là nhắc tới những địa danh đã đi vào tâm khảm của người dân Bình Thuận”.
Chị dẫn tôi đến Mũi Né thăm Suối Tiên Phan Thiết. Quang cảnh nơi đây vẫn còn hoang sơ, hùng vĩ và đầy thơ mộng mà thiên nhiên đã dành riêng cho nơi này.
Những bụi cỏ dại mọc ven dòng suối nhỏ dẫn lối ta như lời kêu gọi: “Hãy đến khám phá nơi đây!”. Nóng lòng muốn biết theo sau là gì cũng đã thôi thúc làm cho tôi càng tò mò nhiều hơn. Đến Suối Tiên tốt nhất bạn nên tự khám phá một mình theo sở thích cá nhân của mỗi chúng ta.
Còn nếu bạn muốn tìm người hướng dẫn tận tình để biết nhiều hơn về nơi bạn đang tới thì ngay phía trước con đường vào suối đã có một đám em nhỏ người địa phương đang đứng chào mời với giá 10 đô cho khách nước ngoài hoặc tầm tối đa 50 ngàn với du khách nội địa như chúng ta. Hôm tôi đến Suối Tiên có rất nhiều khách du lịch là người nước ngoài đến xem rất đông. Vì thế mà cũng không có gì ngạc nhiên khi mỗi du khách đều có một em người việt đi kèm.
Ai tới đây đều cũng phải cởi dép để men theo dòng suối nhỏ mát lạnh khoan khoái được chảy ra từ những mạch nước ngầm trong lòng núi. Suối Tiên càng đi sâu vào bạn sẽ càng cảm nhận được cái đẹp mà du khách thường ví von là “Suối Bồng Lai Tiên Cảnh”.
Các dãy núi trùng trùng điệp điệp san sát nhau hòa quyện với những gam màu trắng, vàng, nâu, đỏ. Tất cả lai tạo nên một hình ảnh khiến cho ta cứ liên tưởng không ngừng đến những sắc tộc màu da trên thế giới cũng giống với màu cát nơi này.
Chúng không có sự phân biệt nhau mà chỉ gắn chặt một tình anh em thắm thiết đậm đà. Ánh xanh phản chiếu của hàng cây hoang dã đối diện xào xạc theo từng đợt gió thổi mướt lay động khiến trái tim của mỗi một du khách cũng phải bồi hồi xao xuyến. Chiều hoàng hôn ngả bóng lại càng tạo nên cho Suối Tiên thêm huyền bí chất chứa bao điều lạ lẫm và thú vị.