Đặc sắc Lễ hội Hoa Ban của dân tộc Thái

Đến với vùng Tây Bắc độ tháng 2 AL hàng năm, du khách chớ bỏ qua Lễ hội Hoa Ban, một trong những hoạt động hấp dẫn không chỉ với bà con nơi đây mà lễ hội còn mang du khách khám phá nét văn hóa độc đáo của riêng vùng đất này.

Đất trời vào xuân, những đợt không khí lạnh nhường chỗ cho các tia nắng ấm áp tràn về nơi núi rừng Tây Bắc, và cả không gian tràn ngập sắc trắng của hoa ban. Là loại câu có sức sống mãnh liệt rễ cắm sâu vào đất, mọc trên những sườn núi đá, hoa ban như mang trong mình nét mạnh mẽ của những chàng trai Thái nhưng vẫn đậm chất dịu dàng, e thẹn của các cô sơn nữ vùng cao.

Với lòng quý mến loài hoa này, Lễ hội Hoa Ban ra đời như lời tri ân của bản làng đến với thiên nhiên cũng như thể hiện lòng tôn kính, biết ơn để mong cầu năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

le-hoi-hoa-ban

Theo như người Thái, hoa ban  mang rất nhiều ý nghĩa, chúng không những là loài hoa tượng trưng cho tình yêu mà nó còn là loài hoa biểu trưng cho lòng hiếu thảo, biết ơn sâu sắc. Bên cạnh đó lễ hội hoa ban cũng là một nét văn hóa tâm linh cũng như tinh thần của đồng bào dân tộc Thái với một tâm nguyện duy nhất đó chính là được thỉnh bái “Then”- theo như quan niệm của người Thái “Then” được xem như là một vị thần tối cao trong hàng ngũ thánh thần và tiếp theo đó là thỉnh bái “nàng Ban” – một nhân vật nữ huyền thoại biểu thị cho sự trong trắng của người phụ nữ Thái và tình yêu đôi lứa; thỉnh bái ma trời, ma núi…

Vào những ngày hội, bếp nhà sàn bắt đầu thổi bùng những ngọn lửa đỏ: họ luộc gà, thái măng, nấu xôi, chuẩn bị những bình rượu lớn để tiếp đãi khách khứa. Các chàng trai cô gái chuẩn bị những bộ váy áo đẹp nhất để đến với lễ hội, đến với những rừng hoa ban đang khoe sắc, hái những bông hoa đẹp nhất để tặng bố mẹ và tình yêu của họ.

Lễ hội được chia ra ra làm 2 phần, đó là phần lễ và phần hội. Về phần lễ, lễ được tổ chức một cách uy nghiêm và trang trọng tại hang Thẩm Lé, mở màng phần lễ là những nghi thức cúng thần linh, thầy mo sẽ làm lễ trước cửa hang Thẩm Lé, sau đó thầy mo vái “Then” để xin được mở cửa hang,  khi xin được “Then” rồi, mọi người vào trong hang và phần hội tiếp theo sẽ là được diễn ra linh đình trong và ngoài hang.

Về phần hội, mọi người đều được tham gia vào một số trò chơi dân gian vô cùng hấp dẫn như: ném còn, kéo co, đi cà kheo, với nhiều cuộc thi bắn súng hỏa mai, chọi gà, cung nỏ… cùng với những điệu nhạc, điệu múa xòe của các cô thôn nữ; tiếng chiêng, tiếng khèn của các chàng trai vùng sơn cước đã làm nên một bàu không khí tưng bùng, vui tươi của lễ hội.

Điểm nhấn của lễ hội chính là điệu múa xòe, một điệu múa đã làm xao xuyến không ít những du khách phương xa bởi sự mộc mạc và giản dị ấy. Khi tiếng khèn cất lên, các cô gái Thái bắt đầu say đắm trong những điệu múa truyền thống. Những điệu nhạc, những điệu múa dập dìu làm bao người xem phải nức lòng và trầm trồ khen.

Đến với vùng đất Tây Bắc, không những chiêm ngưỡng những vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng mà đến đây bạn sẽ cảm nhận được sự chân chất, mộc mạc dung dị của những con người nơi đây cùng với Lễ hội Hoa Ban đầy màu sắc mang vẻ đẹp truyền thống ở nơi đây.