Nhắc đến đờn ca tài tử người ta nghĩ ngay đến xứ miệt vườn, đến vùng đất phương Nam thanh bình, trù phú. Cũng như ca trù của miền bắc và ca huế của miền trung, đờn ca tài tử đã trở thành một nét sinh hoạt văn hoá truyền thống lâu đời của người dân Nam bộ.
Quá trình hình thành và phát triển của đờn ca tài tử
Đờn ca tài tử Nam bộ là một dòng nhạc dân tộc của Việt Nam đã hình thành và phát triển từ cuối thế kỉ XIX, bắt nguồn từ nhạc lễ, Nhã nhạc cung đình Huế và văn học dân gian.
Đờn ca tài tử Nam bộ có ban nhạc gồm 4 loại: đàn kìm, đàn cò, đàn tranh và đàn bầu (gọi là tứ tuyệt). Sau này, có cách tân bằng cách thay thế độc huyền cầm bằng cây guitar phím lõm. Những người tham gia đờn ca tài tử phần nhiều là bạn bè, chòm xóm với nhau.
Đến vùng đất Nam bộ vào những đêm trăng thanh gió mát, những dịp cúng tế ở đình, ở miếu, đám cưới, đám hỏi, đám tang hay giỗ chạp, tiệc tùng du khách đều có thể được thưởng thức đờn ca tài tử.
Đờn ca tài tử cũng thể hiện tính phóng khoáng của dân người Nam bộ, có thể trình diễn ở bất cứ đâu và bất cứ thời điểm nào,trang phục thường giản dị, bình dân không câu nệ.
Đầu thế kỷ thứ XX, đờn ca tài tử trở thành một phong trào ca nhạc phổ biến tại miền Nam, nổi tiếng nhất tại các địa phương: Bạc Liêu, Vĩnh Long, Sa Đéc, Cần Đước (Long An), Cái Thia (Mỹ Tho) và Sài Gòn,…
Những năm gần đây nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách nên các nhóm nhạc tài tử hợp lại với nhau thành các câu lạc bộ đờn ca tài tử mang tính bán chuyên nghiệp. Bên cạnh nghề nghiệp chính, họ phục vụ văn nghệ khi có yêu cầu.
Ngày 05/12/2013, đờn ca tài tử Nam bộ đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Đờn ca tài tử – nét đẹp trong văn hóa Nam bộ
Lời ca ý nghĩa, sâu sắc, đầy tính nhân văn:
Đờn ca tài tử không chỉ được người dân Nam bộ yêu thích mà còn chạm đến trái tim của bất kì ai nếu đã từng nghe qua bởi có câu từ trong sáng, thể hiện những triết lý và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc: thể hiện tình yêu thương giữa con người với con người, lên án điều xấu, đề cao lòng hiếu nghĩa, đạo lý và ca ngợi tình yêu nam nữ thủy chung, thể hiện niềm tự hào về quê hương đất nước, ca ngợi công lao của Bác Hồ và những anh hùng dân tộc,…
Thể hiện tinh hoa văn hóa dân tộc
Đờn ca tài tử Nam bộ tái hiện lại rất rõ nét từ đời sống sinh hoạt đến những phẩm chất, tính cách của con người Nam bộ. Trong những tác phẩm đờn ca tài tử đều hội tụ những giá trị văn hóa đặc sắc, tinh hoa của dân tộc.
Thể hiện sự sáng tạo và tài năng của người “tài tử”
Do không bị hạn chế vào việc diễn xuất và kịch bản sân khấu, nên người nghệ sĩ của nhạc tài tử có thể ứng tác và chơi theo ngẫu hứng.
Ngoài cách sáng tác truyền thống, hiện nay, đờn ca tài tử Nam bộ đã có sự ảnh hưởng của âm nhạc hiện đại tạo nên những bài đờn, ca mang nhiều nét đặc sắc và thú vị.
Xuất phát từ việc nhận thức được tầm quan trọng của nhạc đờn ca tài tử trong nền âm nhạc truyền thống Việt Nam nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung.
Hiện nay đã có nhiều nhà nghiên cứu dân tộc nhạc đang tìm cách sưu tầm và hệ thống hóa các bài bản của nhạc tài tử và tìm cách sáng tác thêm những bản nhạc mới để góp phần làm phong phú thêm những bản nhạc đang thịnh hành hiện nay.
Những câu lạc bộ, địa phương nổi tiếng về đờn ca tài tử tại miền Tây
Câu lạc bộ đờn ca tài tử xã Vị Thanh, Hậu Giang
Vốn là sân chơi tự phát, nhưng câu lạc bộ đờn ca tài tử (CLB ĐCTT) phường V, thành phố Vị Thanh trở thành địa chỉ quen thuộc của những người yêu loại hình nghệ thuật độc đáo này.
CLB được hình thành từ năm 2002, với khoảng trên 10 anh chị em mê đờn ca tài tử. Năm 2003, CLB ĐCTT khu vực 2 chính thức được thành lập với 18 thành viên ở nhiều khu vực như: phường I, IV, V và xã Vị Thủy.
Đến nay, CLB là nơi khơi dậy phong trào đờn ca tài tử tại địa phương, tạo sân chơi lành mạnh cho mọi người sau những ngày làm việc mệt nhọc.
CLB tổ chức sinh hoạt định kỳ vào các ngày thứ 2, thứ 4 và thứ 6 hàng tuần. Dù nhạc cụ chưa hiện đại, nhưng mỗi đêm CLB thu hút khoảng 50-70 lượt người tham gia. Các thành viên trình bày khá phong phú, đa dạng các bản như: Kim Tiền bản, Tây thi, Xuân tình, Xàng xê, Tứ đại oán…
Không chỉ thu hút bà con trong khu vực, CLB ĐCTT Vị Thanh còn có cả thành viên ở các CLB ĐCTT khác tham gia như xã Vị Thủy, Vị Trung, phường IV, xã Vị Tân… Những người đến đây đều mê thích ca cổ và am tường những bài bản tài tử.
Phương châm hoạt động của CLB là phục vụ nhiệt tình,
không vụ lợi, không cần thù lao nên khi đến sinh hoạt tại CLB, a
i biết ca thì ca, ai biết đờn thì đờn. Hát chưa hay, chưa khớp nhịp thì người đờn hoặc người ca chỉ lại. Lúc ca đôi, khi ca đơn, mỗi người tự giác rèn luyện tiếng đờn, lời ca cho thêm trau chuốt, ngọt ngào.
Hiện nay, CLB đã góp phần phát triển phong trào văn hóa văn nghệ của phường, giúp người dân có nơi sinh hoạt vui chơi giải trí lành mạnh.
Câu lạc bộ đờn ca tài tử ấp Mỹ Cần, xã Nhị Mỹ, Tiền Giang
Được hình thành từ năm 2002 tại ấp Mỹ Cần, xã Nhị Mỹ (Cai Lậy) với khoảng 10 anh chị em đam mê bộ môn nghệ thuật này. Đến nay, phong trào đờn ca tài tử xã Nhị Mỹ luôn được duy trì và phát triển, là sân chơi bổ ích cho bà con nơi đây.
Câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt định kỳ vào thứ bảy hàng tuần. Dù chưa hoàn chỉnh nhưng mỗi đêm thu hút khoảng 70 – 100 lượt người tham gia. Hiện nay, tuy CLB mới chỉ có các loại nhạc cụ như: ghi ta phím lõm, đàn kìm, đàn cò và song lang, nhưng số lượng bài bản mà các tài tử trình bày khá phong phú, đa dạng bao gồm các điệu: Kim tiền bản, Tây thi, Xuân tình, Xàng xê, Tứ đại oán… Các bài bản đều được đặt lời mới, cải biên với nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, những đổi thay trên quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa…
Không chỉ tổ chức luân phiên ở các ấp, CLB ĐCTT xã Nhị Mỹ còn tổ chức giao lưu với các câu lạc bộ khác trong huyện như Cẩm Sơn, Long Khánh, Tân Hội,…
Hiện nay, CLB ĐCTT xã Nhị Mỹ liên tục nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp. Nhưng có lẽ phần thưởng lớn nhất là câu lạc bộ là đã tạo sân chơi lành mạnh cho bà con nông dân trong và ngoài xã và được bà con nơi đây nhiệt tình ủng hộ.
Có thể nói, phong trào đờn ca tài tử ở Nhị Mỹ đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa tinh thần mang đậm tình làng nghĩa xóm, đồng thời góp phần vào việc bảo tồn nghệ thuật truyền thống dân tộc.
Câu lạc bộ đờn ca tài tử xã Tân Phú Đông, Đồng Tháp
Với nhiệt huyết lưu giữ những giá trị văn hóa cổ truyền của nghệ thuật dân tộc, từ nhiều năm nay, phong trào đờn ca tài tử ở xã Tân Phú Đông, thị xã Sa Đéc không chỉ là sân chơi cho người cao tuổi mà còn là nơi để những thanh niên có niềm đam mê nghệ thuật đến góp thêm lời ca tiếng hát làm đẹp cho đời.
Năm 2000, những người yêu nghệ thuật đờn ca tài tử tại xã Tân Phú Đông tập hợp lại thành CLB Hát với nhau. Mỗi lần sinh hoạt đều có các CLB đờn ca tài tử trong và ngoài xã đến tham dự.
Đến năm 2007, CLB đờn ca tài tử xã Tân Phú Đông chính thức thành lập. Hiện tại, CLB có trên 10 thành viên.
Bằng nhiệt tình và tâm huyết, khi cần tập hợp lại để sinh hoạt, các thành viên có mặt rất đầy đủ. Những bài cổ nhạc như: Hoa mua trắng, Hoa tím bằng lăng,… cùng các vở Thoại Khanh – Châu Tuấn,… được diễn rất thành công để phục vụ bà con sau những ngày làm việc mệt nhọc.
Hoạt động của CLB đờn ca tài tử xã đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong nét sinh hoạt của người dân xã Tân Phú Đông, thị xã Sa Đéc. CLB hiện đã phát huy, cố gắng lưu giữ và bảo tồn những giá trị tinh túy của nghệ thuật đờn ca tài tử cho thế hệ sau.
Miền tây còn rất nhiều CLB đờn ca tài tử nổi tiếng khác như: CLB ĐCTT Lai Vung (Đồng Tháp), CLB ĐCTT của ông Tư Triều,…
Hiện nay, đờn ca tài tử không chỉ là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân mà còn là một bộ môn nghệ thuật rất được du khách yêu thích khi tới vùng đất miền tây trù phú.
Du lịch miền tây, dù chỉ một lần được đắm chìm vào những câu ca ngọt ngào, sâu lắng, chắc hẳn sẽ để lại trong lòng du khách những cảm xúc khó quên.