Trong cuộc khai quật năm 1984, các nhà khảo cổ học Việt Nam tìm thấy những ngôi mộ cổ ở tỉnh Hòa Bình có niên đại từ thời Lý thế kỷ XI – XII đến Hậu Lê thế kỷ XVII – XVIII, đều phát hiện những khối than tro đóng cứng theo hình huyệt mộ.
Minh văn khắc trên hòn mồ của bà Quách Thị Tơ (vợ lẽ ông Đinh Văn Kỷ), sinh năm Bính Tuất (1586), thọ 73 tuổi, mất ngày 8/3 năm Mậu Tuất (1658), đến ngày 7/2 năm Quý Mão (1663) mới đưa ra huyệt mộ, bà cũng được quàn xác tại nhà 5 năm.
Trong ấn phẩm “Tỉnh Mường Hòa Bình” xuất bản năm 1926: 91-91 của Pierre Grossin đã mô tả tang lễ của người Mường như sau:
“Khi một người thân thích của quan lang chết, tất cả dân làng kéo đến nhà có đám để đưa xác chết vào quan tài hoặc khoét thân cây làm quan tài. Sau đó quan tài được đặt trên một tấm phản. Đồ cúng đặt ở phía đầu người chết, còn phía chân thì đặt bát hương. Trước hết thầy mo treo cái trống đồng của nhà lang ở nơi do ông ta quy định.
Đó là việc chỉ riêng thầy mo làm, người khác không được làm. Thầy mo kể lịch sử của dòng họ và chọn giờ tốt lành. Đến giờ đã định, họ hàng và dân làng quỳ dưới chân người chết và bắt đầu kêu khóc. Trống đồng và 12 phát súng hỏa mai báo hiệu giờ than khóc và lễ tang. Con cháu, họ hàng thân thuộc trong gia đình, các chức sắc Mường, từ già đến trẻ đều cắt tóc để tang trong 3 năm. Mọi việc vui chơi, giải trí đều cấm đối với người thân thuộc, ngay cả đối với chức sắc.
Thi hài được để trong 3 năm, chỉ người thân thuộc vào bậc bề trên trong gia đình mới được dâng cơm cúng người chết, mỗi ngày hai lần. Trong lúc cúng cơm thì thầy mo cúng, cứ hết 100 tiếng chuông lại điểm một tiếng trống đồng. Hết tiếng trống đồng, thầy mo bưng lấy mâm cơm, chỉ có mình thầy mo được ăn cơm cúng”.
Điều đó đã minh chứng rằng: thế kỷ XVII ở vùng Mường đã từng tồn tại tập tục quàn xác tại nhà để cúng tế trong một thời gian dài (từ 3-5 năm) sau đó mới đem ra chôn tại nghĩa địa. Người Mường gọi đây là tục “ma khô”, nghĩa là, sau khi xác được đưa vào trong quan tài để làm lễ cúng cho người chết xong, người ta không đem đi chôn ngay mà để lại trong nhà.
Thời gian để lại lâu hay nhanh còn tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh của từng gia đình. Đi đôi với việc quàn xác tại nhà là vấn đề bảo quản thi hài. Theo ký ức của người Mường thì người ta bảo quản xác bằng cách dùng dây treo quan tài lên xà nhà, cách mặt sàn chừng 60-100 cm. Dưới gần sàn nơi treo quan tài, họ treo/đặt sọt đựng tro bếp để thấm hút nước của thi thể từ quan tài rỏ xuống, sau một thời gian, họ làm lễ đưa quan tài đi chôn và đem theo toàn bộ số than tro đó trải xuống huyệt mộ.
Theo quan niệm người Mường xưa, muốn quàn xác thi hài người chết tại nhà là muốn người chết được gần gũi với người sống, không muốn rời xa người chết. Bằng chứng tại các di chỉ văn hóa Hòa Bình có niên đại cách chúng ta hàng mấy nghìn năm, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy người nguyên thủy khi chết được chôn ngay ở hốc hang hay bếp lửa như mái đá Đú Sáng, xã Đú Sáng (Kim Bôi); hang Láng, xã Chiềng Châu; hang Khoài, xã Xăm Khòe (Mai Châu); hang Đồng Thớt, xã Thanh Nông (Lạc Thủy)…
Như vậy, dựa vào minh văn khắc trên hòn mồ, chúng ta còn biết thêm được nhiều điều về tang lễ của tầng lớp quan lang, quý tộc Mường xưa kia, thường được tổ chức rất linh đình với những nghi lễ phức tạp, rườm rà, tốn kém tiền của, phô trương. Từ sau năm 1945 trở lại đây, tập tục “ma khô” của người Mường đã mất hẳn không còn tái diễn lại trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.