Những lễ hội độc đáo tại miền Tây

Miền tây không chỉ được biết đến là một vùng đất sông nước êm đềm với những khu vườn xum xuê trĩu quả, nhiều khu chợ nổi độc đáo và vô số những đặc sản hấp dẫn mà còn thu hút du khách gần xa bởi rất nhiều lễ hội mang đậm màu sắc văn hóa sông nước của người dân Nam Bộ.

Cùng chúng tôi điểm qua một số lễ hội đặc sắc nhất tại miền tây để hiểu thêm về những phong tục, tín ngưỡng và nét sinh hoạt của người dân nơi đây:

LỄ HỘI OK OM BOK (Trà Vinh, Sóc Trăng)

Lễ hội cúng trăng Ok Om Bok là một trong những lễ hội truyền thống rất đặc sắc của người Khmer, (Ok Om Bok trong tiếng Khmer có nghĩa là lễ đút cốm dẹp). Lễ hội diễn ra vào dịp rằm tháng 10 âm lịch nhằm tạ ơn thần Mặt Trăng – vị thần cai quản thời tiết và mùa màng. Lễ hội Ok Om Bok thường được tổ chức tại của mỗi phum, sóc diễn ra tại sân chùa ở hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng nơi có đông người Khmer sinh sống.

Lễ vật dâng cúng lên Mặt Trăng là những nông sản vừa thu hoạch trong năm như: cốm dẹp, chuối, mía,… Cầu mong thần Mặt Trăng cho năm sau được mưa thuận gió hòa, cây cối tươi tốt.

Trong lễ hội, bao gồm phần lễ cúng trăng long trọng và phần hội cuốn hút người tham dự bởi những trò chơi dân gian độc đáo như: cuộc thi thả đèn gió, thi đua ghe ngo,…và rất nhiều hoạt động vui chơi giải trí khác.

Lễ hội Ok Om Bok bao gồm các hoạt động chính:

Lễ cúng trăng

Lễ cúng trăng được xem là lễ chính trong lễ hội Ok Om Bok. Lễ này được tổ chức đúng vào đêm rằm tháng 10 tại khuôn viên chùa, hoặc tổ chức ở một nơi rộng rãi.

le-hoi-Ok-Om-Bok-Soc-Trang-5

Để chuẩn bị cho lễ cúng trăng, người Khmer thường làm một chiếc cổng bằng tre có trang trí hoa lá, trên cổng giăng một dây trầu gồm 12 lá trầu tượng trưng cho 12 tháng trong năm và một dây cau gồm 7 trái chẻ vỏ tượng trưng cho 7 ngày trong tuần.

Ngày nay, lễ cúng trăng được chuẩn bị đơn giản hơn, bao gồm: cốm dẹp, trái dừa tươi, chuối, khoai lang, bánh kẹo và trái cây.

Khi trăng lên, mọi người trải chiếu ngồi chắp tay quay mặt về phía Mặt Trăng để chờ làm lễ. Người chủ lễ khấn vái nói lên lòng biết ơn của bà con đối với Mặt Trăng, xin Mặt Trăng tiếp nhận những lễ vật dâng cúng, ban cho mọi người sức khỏe dồi dào, mưa thuận gió hòa, năm tới mùa màng bội thu, cuộc sống người dân no đủ, hạnh phúc.

Cúng xong, chủ lễ tập trung trẻ em lại và lấy cốm dẹp cùng các đồ cúng khác đút cho từng trẻ. Sau khi xong lễ, mọi người được tự do ăn uống, múa hát và vui chơi đến khuya.

le-hoi-Ok-Om-Bok-Soc-Trang-4

Hội đua ghe ngo

Trong lễ hội Ok Om Bok có hội đua ghe ngo vô cùng sôi động. Chiếc ghe ngo được làm bằng các loại gỗ tốt, hình dạng giống con rắn, có từ 52 đến 54 chỗ ngồi.

Công tác chuẩn bị cho lễ hội rất công phu, ngoài lễ cúng, các đội còn tập dượt rất siêng năng. Người được chọn để bơi phải là trai tráng khỏe mạnh, quen bơi và bơi có nghệ thuật. Người ngồi mũi chỉ huy phải là người có uy tín trong phum sóc.

Hàng năm, cuộc thi thu hút một lượng lớn du khách gần xa tới tham dự và cổ vũ. Trong suốt cuộc thi, không khí rất sôi động và hào hứng, tiếng hò reo, cổ vũ vang dậy cả khúc sông.

Từ nhiều năm nay, cứ đến rằm tháng 10 âm lịch, không chỉ có bà con người Khmer mà còn có rất nhiều du khách đổ về tham dự và khám phá nhiều điều thú vị tại lễ hội Ok Om Bok độc đáo này.

le-hoi-Ok-Om-Bok-Soc-Trang

le-hoi-Ok-Om-Bok-Soc-Trang-3

LỄ HỘI BÀ CHÚA XỨ (Châu Đốc, An Giang)

Lễ hội Bà Chúa Xứ (còn gọi là lễ Vía Bà) được tổ chức hàng năm từ đêm 23 đến 27 tháng 4 âm lịch, tại Miếu Bà Chúa Xứ thuộc phường núi Sam, thị xã Châu Đốc tỉnh An Giang.

Lễ hội này có phần lễ được tổ chức rất long trọng, bao gồm: Lễ tắm Bà, lễ thỉnh sắc Thoại Ngọc Hầu về Miếu Bà, lễ Túc Yết, lễ Xây Chầu, lễ Chánh Tế.

Lễ tắm Bà được tổ chức vào đêm 23 rạng ngày 24. Trong lễ này, người ta tắm tượng bằng nước thơm, thay bộ y phục mới cho Bà, bộ y phục cũ của Bà được cắt nhỏ ra phân phát cho du khách trẩy hội và được coi như lá bùa hộ mệnh giúp cho người khoẻ mạnh và trừ ma quỷ.

le-hoi-via-ba-chua-xu-an-giang-1

Lễ thỉnh sắc Thoại Ngọc Hầu: Lễ này được tiến hành vào lúc 15h ngày 24.Các bô lão trong làng và ban quản trị lăng miếu lễ làm lễ Thỉnh Sắc rước bài vị của Ngọc Hầu Nguyễn văn Thoại, bà nhị phẩm Trương Thị Miệt và bài vị hội đồng. Tục lệ thỉnh sắc Thoại Ngọc hầu đã có từ lâu để tỏ lòng biết ơn ông là người có công khai phá vùng đất hoang vu này.

Lễ Túc Yết diễn ra vào cuối ngày 25 rạng ngày 26. Lễ vật gồm có: một con heo trắng (chưa nấu chín), một đĩa mao huyết, xôi, trái cây, trầu cau, gạo và muối.

Trong lễ Xây Chầu, ông chánh bái bước tới bàn thờ đặt giữa võ ca, hai tay cầm dùi trống nâng ngang trán khấn vái, sau đó ông cầm nhành dương liễu nhúng vào tô nước rồi vừa vảy nước ra xung quanh, vừa đọc to những lời cầu nguyện. Sau đó, ông đánh ba hồi trống, sau đó chiêng trống rộ lên và bắt đầu chương trình hát bội.

Đến 4 giờ sáng ngày 26 cúng Chánh Tế. Chiều ngày 27 đưa sắc Thoại Ngọc hầu về Sơn Lăng.

Phần hội diễn ra rất sôi nổi đan xen với phần lễ, bao gồm các hoạt động văn hoá nghệ thuật dân gian được biểu diễn như múa lân, múa mâm thao, múa đĩa chén,…thu hút nhiều du khách.

Lễ hội Bà Chúa Xứ núi Sam là một lễ hội đặc sắc, mang nhiều yếu tố đặc trưng của lễ hội miền đất Nam Bộ.

le-hoi-via-ba-chua-xu-an-giang-2

LỄ HỘI ĐUA BÒ BẢY NÚI (Bảy Núi, An Giang)

Lễ hội đua bò là một lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ. Lễ hội đua bò Bảy Núi (An Giang) được tổ chức từ ngày 29-8 đến mùng 1-9 âm lịch (hoặc từ 29-8 đến mùng 2-9 âm lịch).

Lịch sử của lễ hội này bắt đầu từ một tập tục địa phương. Trong ngày lễ Dolta, của người Khmer phụ nữ thì mang thức ăn đến chùa dâng lên các nhà sư, thanh niên thường mang những đôi bò của mình đến cày ruộng giúp cho nhà chùa. Sau khi cày xong, các chủ bò chọn những đôi bò bắt cặp với nhau để tranh tài kéo bừa. Phần thưởng cho các đôi bò thắng cuộc là những sản vật mà người dân dâng cúng.

le-hoi-dua-bo-bay-nui-an-giang-1

Những đôi bò được chọn để thi đấu phải thuần chủng, thân hình cao ráo, nhanh nhẹn, chân cứng, bắp thịt săn chắc, sừng nhọn cân đối,… Trước ngày thi đấu vài tháng, đôi bò được bồi dưỡng theo một chế độ đặc biệt và được huấn luyện tâm lý dạn dĩ trước đám đông, quen với tiếng trống, tiếng reo hò, của người cổ vũ.

Trước khi vào cuộc đua, từng đôi bò được chọn rất kĩ hoặc bốc thăm và thoả thuận một số qui định cần thiết. Nếu trong khi đua, đôi bò nào chạy ra khỏi đường đua sẽ bị loại và đôi bò sau giẫm lên giàn bừa của đôi bò trước là thắng cuộc. Người điều khiển phải đứng thật vững nếu bị ngã hoặc rơi ra khỏi giàn bừa coi như thua cuộc.

Khi bắt đầu cuộc đua, từng đôi bò được ách vào một chiếc bừa, người điều khiển bò cầm roi mây hoặc khúc gỗ tròn, đầu có tra cây đinh nhọn. Khi nhận lệnh xuất phát của trọng tài, người điều khiển chích mạnh cây đinh nhọn vào mông con bò, bò bị đau phóng nhanh về phía trước.

Những đôi bò khỏe mạnh dưới sự điều khiển khéo léo của người chơi đứng trên giàn bừa cố hết sức tăng tốc hướng về đích làm bắn tung tóe bùn đất, văng cả lên mặt, áo quần của những người hâm mộ đang áp sát cuộc đua và hăng say hò reo, cổ vũ cho những người cặp đua nổi trội nhất.

Hằng năm, không khí vui nhộn, sinh động trong lễ hội đua bò Bảy Núi của đồng bào Khmer tại An Giang luôn có sức thu hút đặc biệt đối với du khách và giới truyền thông cả nước với hàng chục ngàn lượt người tham dự.

le-hoi-dua-bo-bay-nui-an-giang-2

Lễ hội đua bò Bảy Núi ở An Giang được tổ chức luân phiên hàng năm tại chùa Thom Mít (Tịnh Biên) và chùa Tà Miệt (Tri Tôn) vào dịp lễ Dolta cuối tháng 8 âm lịch.

Điều đặc biệt nhất của lễ hội đua bò Bảy Núi chính là tinh thần thể thao đầy thượng võ lẫn tính nhân văn sâu sắc, không đặt nặng vấn đề thắng hay thua. Ngoài ra, lễ hội còn thể hiện sự đoàn kết, gắn bó giữa hai cộng đồng dân tộc Việt và Khmer đã cùng chung sống hơn 300 năm trên vùng đất Nam bộ.

LỄ HỘI NGHINH ÔNG (Bến Tre)

Hằng năm, lễ hội Nghinh Ông lớn nhất ở miền tây được tổ chức ở lăng Ông xã Bình Thắng huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Lễ gồm ba phần: túc yết, nghinh ông, tế tiền hiền và hậu hiền, lễ chánh tế và xây chầu đại bội.

Xuất phát từ các truyện tích về việc cá Ông cứu nạn người dân đi biển nên ngư dân đều xem cá ông như là vị thần cứu hộ của mình và họ lập lăng mộ để thờ cúng vị thần thiêng liêng này.

le-hoi-nghinh-ong-ben-tre-2

Trước ngày diễn ra lễ hội, các thuyền đánh cá dù đang làm nghề ở nơi xa hay gần đều phải tề tựu đông đủ tại bến.

Tham gia vào lễ nghinh ông còn có những thuyền đánh cá của những địa phương khác, đang hành nghề tại biển địa phương.
Trong lễ hội, các thuyền đánh cá đều chăng đèn, kết hoa rực rỡ. Ở đầu mũi thuyền, chủ nhân có bày mâm cúng gồm trái cây, xôi thịt, thường là cặp vịt luộc, đầu heo, cùng với hương hoa.

Tại lăng, thời gian lễ hội thưởng được phân bố như sau:

  • Ngày 15/6 có chương trình giao lưu đơn ca tài tử và lễ hội cầu an.
  • Ngày 16/6: Tổ chức lễ hội nghinh ông, xây chầu đại bội, làm lễ chánh tế.
  • Ngày 17/6: Hát bội và kết thúc lễ hội

Mục đích của lễ hội nghinh Ông không chỉ thoả mãn niềm tin của con người đối với thế giới siêu nhiên, mà còn giúp cho con người nhận diện mình một cách khách quan và chân thật, cởi mở, đoàn kết và thương yêu nhau hơn.

Lễ hội nghinh Ông không chỉ thể hiện đời sống tâm linh của người dân địa phương mà còn góp phần làm đa dạng nền văn hóa dân tộc.

le-hoi-nghinh-ong-ben-tre-1

Hãy đặt ngay một tour du lịch miền tây tại công ty du lịch Bến Nghé để có cơ hội tham gia vào các lễ hội đặc sắc, hiểu thêm về một nền văn hóa đa dạng được kết tinh từ tinh hoa văn hóa của các tộc người cư trú tại đây và thêm yêu mảnh đất, con người nơi miệt vườn sông nước trù phú này.