Những ngôi chùa linh thiêng tại miền Tây

Miền Tây Nam bộ của nước ta không chỉ được biết đến là một vùng đất có sông ngòi kênh rạch chằng chịt, những vườn cây trái xum xuê trĩu quả và rất nhiều những món đặc sản rất hấp dẫn mà còn cuốn hút du khách gần xa bởi những ngôi chùa cổ có kiến trúc vô cùng độc đáo, thể hiện tinh hoa văn hóa, nghệ thuật kiến trúc vùng Tây Nam bộ và thể hiện sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc cùng chung sống lâu đời trên mảnh đất trù phú này.

CHÙA DƠI (Sóc Trăng)

Chùa Mahatup hay còn gọi là chùa Mã Tộc, chùa Dơi là một ngôi chùa của đồng bào Khmer, có kiến trúc độc đáo, hoa văn đặc sắc và là một trong những ngôi chùa cổ nhất của tỉnh Sóc Trăng.

nhung-ngoi-chua-linh-thieng-tai-mien-tay-1

Chùa Mahatup vốn được biết đến nhiều hơn với tên gọi Chùa Dơi vì ở đây có sự trú ngụ của hàng ngàn con dơi. Bất cứ du khách nào khi đến chùa Dơi đều ấn tượng với lối kiến trúc và màu sắc trang trí khá cầu kỳ của ngôi chùa.

Chùa Dơi có mái chùa gồm hai tầng lớp ngói, phía trên mái còn bố trí nhiều tháp nhỏ. Đầu mái phía đầu hồi được chạm trổ tinh xảo hình rắn Naga uốn lượn.

Hành lang bao quanh chùa được thiết kế một hàng cột với các tượng tiên nữ chắp tay trước ngực. Gian chính điện đặt một pho tượng Phật Thích Ca bằng đá, ngự trên tòa sen cao khoảng hai mét. Đặc biệt, trong khuôn viên chùa còn có nhiều bảo tháp thờ cúng các nhà sư quá cố và chùa còn lưu giữ nhiều bộ kinh luật viết trên lá cây thốt nốt.

Chùa Dơi cũng như các ngôi chùa khác ở Sóc Trăng đều mang đậm giá trị truyền thống của người Khmer. Chùa là nơi trung tâm để các sư tu học, là nơi để người Khmer tập trung trong các ngày lễ, tết như: tết Chol Chnam Thmay, lễ Đon-ta,…

Không chỉ hấp dẫn du khách bởi kiến trúc độc đáo, mà chùa Dơi còn hấp dẫn trí tò mò của du khách bởi có một đàn dơi lạ. Cách đây vài năm, tại ngôi chùa này, có đàn dơi với số lượng rất lớn.

Loài dơi cư trú ở đây chủ yếu là loài dơi quạ, dơi ngựa. Khi hoàng hôn buông xuống thì đàn dơi mới bắt đầu thức dậy và bay đi kiếm ăn, để rồi lại trở về chùa vào 4 giờ sáng hôm sau.

Thời gian gần đây, do bị người dân địa phương săn bắt và môi trường sống không còn yên bình, nên lượng dơi tại chùa đã vơi dần không còn nhiều như trước nữa.

CHÙA ĐẤT SÉT (Sóc Trăng)

Chùa Đất Sét có tên chính thức là Bửu Sơn Tự, được xây dựng cách đây 200 năm, do một người trong dòng họ Ngô tự lập để tu tại gia.

Sở dĩ được gọi chùa Đất Sét vì trong chùa có hàng trăm tượng lớn nhỏ đều được nặn từ đất sét. Đặc biệt, nơi đây còn có 8 cây nến nặng khoảng 1,4 tấn.

nhung-ngoi-chua-linh-thieng-tai-mien-tay-2

Khi mới xây dựng, ngôi chùa được cất bằng các loại gỗ bình thường ở địa phương, trải qua năm tháng đã bị hư mục khá nhiều và được tu sửa nhiều lần. Năm 1928, ông Ngô Kim Tòng thuộc đời trụ trì thứ tư đã quyết định tu bổ, tôn tạo chùa bằng cách nặn tượng thờ, linh vật bằng đất sét cho ngôi chùa này.

Đất sét được phơi khô, giã nhuyễn, rồi sàng lọc, trộn thành một hỗn hợp dẻo, và tạo ra các hình tượng khác nhau. Sau khi làm, tất cả sản phẩm bằng đất sét được phủ bên ngoài bằng sơn và dầu bóng, trông rất giống các tượng gỗ. Trong chùa có tất cả 1991 pho tượng lớn nhỏ được tạc và nặn một cách tinh tế trong 42 năm dài.

Hiện nay, số tượng ở chùa vẫn còn khá nguyên vẹn. Có nhiều bức tượng kỳ công như pho tượng Bảo tòa thỉnh Phật trụ thế truyền tháp luận có đến 1000 cánh sen, mỗi cánh sen là một vị phật nhỏ ngồi tọa thiền, tháp Đa Bảo cao 3,5 m với 13 tầng, 208 cửa, dưới chân tháp có 126 rồng nâng đỡ tháp.

Chùa Đất Sét không chỉ nổi tiếng bởi các pho tượng làm bằng đất sét mà còn bởi sáu cây nến lớn, mỗi cây nặng 200 kg và hai cây nến nhỏ, mỗi cây nặng 100 kg. Hai cây nến nhỏ được thắp cháy trong suốt khoảng 43 năm chưa một lần bị tắt.

Cùng với nhiều ngôi chùa khác, chùa Đất Sét là một ngôi chùa độc nhất vô nhị tại Việt Nam.

Với những nét đẹp và độc đáo đó, ngày 10/ 12/ 2010 UBND tỉnh Sóc Trăng đã công nhận chùa Đất Sét là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh. Với những đặt thù độc đáo của những tượng phật, hình thú, những cặp đèn cầy, cây nhang,…Bửu Sơn tự xứng đáng được đưa vào danh sách kỷ lục của Việt Nam.

CHÙA CHÉN KIỂU (Sóc Trăng)

Chùa Chén Kiểu là một trong số những ngôi chùa rất nổi tiếng của người Khmer ở Sóc Trăng. Đây là ngôi chùa khá đặc biệt khi được ốp bằng những mảnh vỡ của chén, dĩa tạo nên những bức tranh sinh động, độc đáo.

Chùa được xây dựng năm 1815. Đến năm 1969 chùa được xây dựng lại với thiết kế như hiện nay. Khi xây dựng, chùa đã vận động phật tử quyên góp hơn 3 tấn chén kiểu để trang trí. Bằng tài nghệ của mình, các nghệ nhân Khmer đã sáng tạo nên một công trình kiến trúc độc đáo hấp dẫn du khách cả trong và ngoài nước.

nhung-ngoi-chua-linh-thieng-tai-mien-tay-3

Nóc chùa Chén Kiểu gồm 3 mái so le, mái trên cùng nhỏ hơn hết được trang trí như tấm thảm nhiều màu sắc. Ở gờ mỗi lớp mái đều có trang trí hoa văn, họa tiết, truyền thống Khmer, mang ước vọng an lành và siêu thoát. Toàn bộ các chi tiết của mái chùa đều được cẩn bằng chén kiểu.

Bên trong chùa chùa, toàn bộ trần nhà, các bức tường, vật trang trí như bình hoa, họa tiết rồng, cột chính,… đều được làm từ gốm sứ đủ màu sắc.

Công trình kiến trúc độc đáo này còn thể hiện sự giao thoa văn hóa của 3 dân tộc anh em cùng chung sống nơi đây. Họa tiết rồng, bệ thờ của người Hoa được chạm khắc tinh xảo, hình ảnh phụ nữ Kinh đội nón lá, tượng rắn và chim thần uy nghiêm của người Khmer kết hợp hài hòa càng làm nổi bật lên vẻ tôn nghiêm, lấp lánh của ngôi chùa này.

Với lối kiến trúc độc đáo, có sự kết hợp hài hòa văn hóa, là nơi cõi Phật linh thiêng, chùa Chén Kiểu hiện đang thu hút nhiều du khách tới chiêm ngưỡng và tỏ lòng thành kính nơi cửa Phật.

CHÙA VĨNH TRÀNG (Tiền Giang)

Tọa lạc trên địa phận xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho, chùa Vĩnh Tràng là một di tích kiến trúc nghệ thuật cổ và rất độc đáo của miền Tây Nam Bộ.

Tham quan chùa Vĩnh Tràng, du khách sẽ cuốn hút bởi lối kiến trúc độc đáo của ngôi chùa. Ngôi chùa này có đường nét kiến trúc mang nhiều nét giống với kiến trúc của những ngôi đền ở Campuchia và cũng mang nhiều nét giống một ngôi nhà cổ của Pháp.

nhung-ngoi-chua-linh-thieng-tai-mien-tay-4

Cổng tam quan rực rỡ sẽ là điểm thu hút du khách đầu tiên khi tới tham quan ngôi chùa độc đáo này. Khu cổng này do những nghệ nhân xứ Huế thực hiện vào năm 1933 theo kiểu cổ lầu. Chánh điện được xây dựng theo lối kiến trúc kết hợp giữa Á và Âu với những hàng cột thanh mảnh vòm cong, có bộ phù điêu bát tiên cưỡi thú. Trên nóc chùa có 5 mái nhô cao, tượng trưng cho ngũ hành theo quan niệm phương Đông.

Chùa Vĩnh Tràng hiện còn lưu giữ hơn 60 tượng Phật đúc bằng gỗ, đồng, đất nung,… được thếp vàng óng ánh và được tạc vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Có giá trị nghệ thuật nhất là bộ tượng bằng gỗ 18 vị La Hán được tạc vào đầu thế kỷ XX, mỗi tượng cao khoảng 0, 8m. Bộ tượng này được đánh giá là đỉnh cao của nghệ thuật tạc tượng tròn của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Khuôn viên chùa là những vườn cây cảnh trồng nhiều loại hoa thơm cỏ lạ, những hồ nước thơm ngát hương sen và những cây cổ thụ che trùm bóng mát, tạo nên sự hài hòa tuyệt vời giữa khung cảnh thiên nhiên với không gian kiến trúc.
Chùa Vĩnh Tràng là nơi phản ánh lịch sử mỹ thuật của đất Tiền Giang nói riêng, Nam Bộ nói chung.

Hiện nay, ngoài các tín đồ Phật tử còn có rất nhiều du khách đến tham quan chùa Vĩnh Tràng. Đến tham quan ngôi chùa này, du khách sẽ tìm được cho mình một chốn tâm linh thanh bình và đồng thời được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của một di sản văn hóa quốc gia.

CHÙA HANG (Trà Vinh)

Chùa Hang tọa lạc tại thị trấn Châu Thành, cách trung tâm thị xã Trà Vinh 5km về hướng nam. Đây là một trong những ngôi chùa Khmer cổ đẹp nhất của tỉnh Trà Vinh, có nhiều cây cổ thụ và là nơi hội tụ của nhiều loại chim.

Chùa còn có tên là Mồng Rầy nhưng người dân ở đây quen gọi là chùa Hang vì kiến trúc cổng chùa giống như một hang động. Khuôn viên chùa rộng, một nửa diện tích là rừng tự nhiên, cây cao rậm rạp, là nơi hội tụ của nhiều loài chim. Hai bên cổng chính có hai tượng Yak cao lớn.

nhung-ngoi-chua-linh-thieng-tai-mien-tay-5

Trong khuôn viên chùa có trường học cho trẻ em rất qui mô. Hai chục nhà sàn nhỏ, mỗi nhà chỉ vừa đủ chỗ cho một người là nơi để đàn ông Miên ở lại để cầu nguyện cho linh hồn được siêu thoát.

Sân chùa Hang trước kia có đàn dơi đông vô kể, nhưng tới tết Mậu Thân (1968) một quả bom rơi trúng chùa, khiến chùa hư hại nặng, đàn dơi sợ hãi bay đi hết. Ngày nay, đàn dơi không còn nhưng ở chùa lại xuất hiện đàn cò cả ngàn con, mỗi chiều cò bay về chùa đậu trắng những cây cổ thụ xung quanh, gọi bầy ríu rít.

Miền tây còn rất nhiều những ngôi chùa cổ, có lối kiến trúc độc đáo như: chùa Khleang (Sóc Trăng), chùa Âng, chùa Cò, chùa Vàm Rây (Trà Vinh),…Hãy cùng du lịch Bến Nghé tới thăm những ngôi chùa thú vị này, bạn sẽ tìm thấy một cảm giác bình yên, một không gian thanh tịnh nơi cửa phật và được chiêm ngưỡng những kiệt tác nghệ thuật kiến trúc của vùng đất Tây Nam Bộ từ nhiều năm trước.