Ninh Thuận – Miền Tháp nắng

Với nền văn hóa Chăm đặc sắc, Ninh Thuận – vùng đất của nắng, của gió, của những đồi cát ngút ngàn bên cạnh bãi biển xinh đẹp và những truyền thuyết dân gian, là điểm đến lý tưởng của du khách.

Không chỉ nổi tiếng là miền đất phong phú về lịch sử văn hóa, là điểm hội tụ của văn hóa tộc người Chăm và Raglai, Ninh Thuận còn được biết đến là địa danh du lịch nổi tiếng, từng được nhiều du khách ví như “nàng công chúa đang trở mình tỉnh giấc” với những ngôi tháp Chăm uy nghi trường tồn cùng năm tháng, các lễ hội truyền thống, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của người Chăm cùng vẻ đẹp nao lòng của bờ biển Ninh Chữ, Cà Ná, Vĩnh Hy…

5-box
Về miền tháp nắng, du khách không thể bỏ qua đồi cát di động Phước Dinh, đồi cát đỏ Phước Hải với những đụn cát mịn màng, nhấp nhô chạy dọc bờ biển, mỗi khi vầng dương ngả dần về phía cuối trời, những cồn cát cứ rực đỏ ánh ráng chiều. Những thiếu nữ Chăm đầu đội bình nước, chiếc bóng đổ dài trên đồi cát, xa dần xa dần rồi mất hút trong đồi cát mênh mông… khiến bao du khách ngẩn ngơ nhìn theo.

12302
Chiều chiều, chỉ cần một đĩa dông nướng hay gỏi dông – đặc sản Ninh Thuận, bánh tráng mè, ớt xắt lát và nhâm nhi vài ly rượu, đủ để du khách hết mệt mỏi sau một ngày lội cát. Món gỏi dông ở Ninh Thuận có mùi đặc biệt là nhờ xoài dông. Đó là thứ xoài dại trên rừng, quả nhỏ, hạt lớn, chỉ dùng để làm gỏi dông, người ta gọi mãi thành xoài dông.
Tiếp đó, chỉ hơn một giờ ôtô, du khách đã lạc bước vào khu rừng nguyên sinh ở vịnh Vĩnh Hy, rồi lênh đênh cùng sóng biển, thả hồn vào trời nước mênh mông, chiêm ngưỡng những rạn san hô tuyệt đẹp và hoang sơ ngay cửa vịnh.
Một nơi không thể bỏ qua đó là làng gốm và dệt thổ cẩm của người Chăm. Người Chăm không đắp lò nung gốm mà dùng rơm, củi khô chất thành đống rồi đốt. Phải tận mắt nhìn những nghệ nhân chân đất làm gốm mới cảm nhận hết nghệ thuật làm gốm cổ của người Chăm, mới ngấm được những điều người nghệ nhân gửi gắm qua tác phẩm.

le-hoi-Ramuval---tour-ninh-thuan---du-lich-ninh-thuan
Người Chăm không làm gốm bằng bàn xoay, đất sét sông Quao trộn với cát đặt lên bàn kê rồi vừa đi vòng tròn vừa nắn con đất cho đều. Mỗi một vòng bước chân đi qua, sản phẩm gốm lại cao thêm một chút. Khi người thợ dừng bước thì cũng là lúc cái bình, cái chum đã thành hình. Màu trang trí mặt gốm từ đất thổ hoàng, trái dông và trái thị. Hoa văn trên thân gốm được vẽ bằng lược hoặc vỏ sò, hình ảnh đơn giản, thô mộc…
Đến Ninh Thuận, được chiêm ngưỡng những ngôi tháp Chăm cổ kính cùng vẻ đẹp dịu dàng của thiếu nữ Chăm trong bộ trang phục truyền thống ngồi xe chỉ đưa thoi dệt thổ cẩm, đội vò nước trên đầu băng qua đồi cát, được nghe những làn điệu dân ca, xem những điệu múa Chăm Pa… có lẽ với du khách sẽ không còn gì thú vị hơn nữa.