Lễ hội Nghinh Ông, một lễ hội dân gian phổ biến diễn ra tại các tỉnh ven biển Việt Nam. Các ngư dân tin rằng cá Ông (cá Voi) là một trong những vị thần của biển cả, người sẽ giúp che chở, cứu giúp khi gặp hoạn nạn và cầu mong người cho một năm biển yên sóng lặng, bội thu cá tôm.
Hằng năm, Lễ hội Nghinh Ông diễn ra nhằm bày tỏ lòng biết ơn của ngư dân đối với cá Ông và cầu sự bình an, sung túc cho mình. Hãy cùng Công ty Du lịch Bến Nghé tìm hiểu xem những vùng biển trù phú Việt Nam tổ chức lễ hôi như thế nào nhé!
Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc – Cà Mau
Lễ hội nghinh Ông Cà Mau được tổ chức trong ba ngày 14,15,16 tháng 2 âm lịch hằng năm tại Sông Đốc.
Vào ngày 15 là ngày hội chính của lễ Nghinh Ông, hằng trăm chiếc tàu đánh cá được trang hoàng cờ hoa lộng lẫy sẽ neo đậu ở bến sông. Trên bờ là đoàn người thứ tự là ban trị sự lăng, những người có chức vị quan trọng, các đội trống lân, cờ ngũ sắc lộng lẫy, đoàn quân với các binh khí khác nhau sẽ cùng với người dân diễu hành thành 2 hàng dài để thỉnh lư hương của Ông lên tàu. Tàu được rước lư hương sẽ là con tàu lớn nhất, được trang hoàng công phu lộng lẫy nhất hoặc cũng có thể là nhiều tàu ghép lại thành một.
Tàu sau khi đã thỉnh lư hương của Ông thì sẽ cùng hằng trăm tàu khác bắt đầu diễu hành ra cửa biển tạo nên một không khí vô cùng sôi động cả một vùng biển lớn. Tương truyền nếu ra biển lớn và gặp cá Ông phun nước thì đoàn thuyền sẽ quay trở về ngay, nếu không gặp thì sẽ làm nghi lễ “ xin keo “, tức là đã gặp Ông và sẽ rước Ông về lăng. Sau khi về Lăng các nghi lễ khác sẽ được tiếp tục diễn ra đến tận khuya.
Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam – Vũng Tàu
Diễn ra vào ngày 16 đến 18 tháng 8 âm lịch hằng năm, lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam Vũng Tàu diễn ra vô cùng long trọng với tâm điểm tại đình Thắng Tam, ngôi đình được công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia của thành phố Vũng Tàu.
Cũng khá giống với những vùng ven biển khác khi tiến hành lễ Nghinh Ông. Tuy nhiên tại thành phố Vũng Tàu, đoàn người diễu hành để rước Ông có phần vui tươi và độc đáo hơn khi có sự góp mặt của tượng cá Ông bằng giấy bồi, các nhân vật Phúc, Lộc, Thọ, Tây Du Kí, các nghệ sĩ tuồng… tất cả vừa đi vừa nhún nhảy tưng bừng theo tiếng kèn, tiếng trống của các đội Lân Sư Rồng tạo thành 1 không khí vô cùng vui tươi trên đường phố Vũng tàu.
Sau khi đã rước ông về đình Thắng Tam sẽ tiếp tục diễn ra các nghi thức khác như: lễ cúng hiền tiền, lễ thỉnh sắc thần Ông Nam Hải, lễ xây chầu Đại Bội.
Lễ Nghinh Ông đình Thắng Tam tại Vũng Tàu hằng năm thu hút rất nhiều lượt du khách đến tham quan và còn có các thuyền đánh cá ở tỉnh khác nhớ ngày cũng về dự.
Lễ Nghinh Ông Quan Thánh Đế Quân – Phan Thiết
Lễ hội Nghinh Ông Quan Thánh Đế Quân sẽ diễn ra 2 năm một lần vào ngày rằm tháng 7 âm lịch tại Quan Thánh Miếu thành phố du lịch Phan Thiết. Đây là một lễ hội mang đậm nét văn hóa tiêu biểu của người Hoa nói riêng và người dân Bình Thuận nói chung.
Lễ hội sẽ được diễn ra trong ba ngày chính. Ngày đầu tiên và ngày thứ hai sẽ có các nghi thức diễn ra tại chùa như: thỉnh kinh, thỉnh nước, chiêu vong linh tiền hiền, phóng sinh, thả thuyền ra cửa biển Phan Thiết, hội quán Triều châu, múa rồng Thanh Long, cúng Chí Thực, lễ Hoàn Mãn…
Ngày thứ 3 sẽ ngày diễu hành rước kiệu của Quan Thánh Đế qua các đường phố lớn của thành phố Phan Thiết. Đoàn người hơn 1000 người gồm các trang phụ truyền thống sặc sỡ với các tiết mục như: đi cà kheo, múa hoa, múa Thái Cực kiếm, múa quạt, múa lân, múa rồng xanh và các nhân vật trong các điển tích xưa của người Hoa như: Lưu Bị, Quan Công, Bao Công, Đường Tam Tạng… Tất cả tạo thành một không khí rộn ràng khắp các đường phố Phan Thiết.
Lễ Hội Nghinh Ông – Quảng Ngãi
Lễ hội Nginh Ông của các ngư dân ven biển Quảng Ngãi diễn ra vào các ngày âm lịch đầu mùa xuân hoặc mùa thu mỗi 2 năm một lần. Thông thường vào mùa thu, tức khoảng tháng 7 âm lịch thì lễ sẽ diễn ra lớn hơn vì đây là thời gian các ngư dân bày tỏ lòng biết ơn với Ông thì giúp họ có một mùa cá bội thu.
Vào ngày lễ chính sẽ là lễ rước thần Nam Hải và các vị thần khác về dự lễ hội. Đoàn thuyền rước ông sẽ gồm 3 chiếc được trang trí cờ hoa rực rỡ, bày sẵn ương án và đồ lễ vật. Sau khi Ông được thỉnh về chánh điện thì sẽ tiếp tục diễn ra lễ chánh tế. Tham gia làm lễ trong ngày này còn có sự tham gia của các đội múa gươm, múa đao và hát chèo bả trạo nhằm giúp thực hiện các nghi lễ và góp vui cho người dân trong vùng.
Những năm lễ Nghinh Ông được tổ chức long trọng thì sẽ có các trò chơi dân gian vui nhộn như: đua thuyền, lắc thúng, kéo co, hát bội, đua cà kheo, đấu vật…
Ngoài ra người dân Quảng Ngãi còn một số lễ hội khác nhằm để thờ cá Ông như lễ tang cá Ông và Thượng Ngọc Cốt.