Đến Ninh Thuận khám phá văn hóa Chăm

Nằm trong 53 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam, dân tộc Chăm có hơn 160.000 người và chủ yếu sống ở các vùng Ninh Thuận, Bình Thuận và một số tỉnh miền Tây Nam Bộ. Ngày nay, người Chăm vẫn còn lưu giữ riêng cho mình những nét văn hóa hết sức đa dạng, mang một sắc thái riêng biệt cả về văn hóa vật chất lẫn tinh thần.

Tháp Chăm

Nói đến dân tộc Chăm, không thể không nói đến các hệ thống đền đài được xây dựng rất công phu và huyền bí của người Chăm. Các đền đài của người Chăm tập trung rất nhiều ở Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng Nam… tạo nên những điểm đến vô cùng hấp dẫn dành cho khách du lịch.

image007

Nổi bật nhất tại vùng Ninh Thuận phải kể đến cụm tháp hùng vĩ Poklong Garai, được xây dựng từ cuối thế kỉ 18 và hầu như vẫn còn nguyên vẹn cho đến ngày nay. Dường như không chịu bất kỳ sự chi phối nào hay quy luật thời gian khắc nghiệt, tháp Chăm vẫn sừng sững tồn tại nguyên vẹn qua hàng trăm năm. Những hoa văn được trạm trổ 1 cách công phu độc đáo, lối xây dựng đặc biệt vượt ra khỏi những quy tắc kiến trúc thông thường và những truyền thuyết về các vị thần của người Chăm, tất cả đều tái hiện về hình ảnh một vương quốc Chăm thời cực thịnh.

Tháp_Po_Klaung_Garai,_Phan_Rang,_Ninh_Thuận

Các lễ hội và điệu múa dân gian

Bên cạnh kiến trúc, những lễ hội và các điệu múa dân gian của người Chăm cũng đã làm say lòng biết bao du khách.

Ka te 2 NTO

Hằng năm, người Chăm có khoảng 100 lễ hội diễn ra xuyên suốt phản ánh nét sinh hoạt cộng đồng, những nghi thức dân gian… Đặc biệt phải kể đến là lễ hội Ka-tê được tổ chức ở tháp Chăm vào tháng 7 lịch Chăm hằng năm nhằm để tưởng nhớ các vị anh hùng dân tộc và tổ tiên . Du khách sẽ được chiêm ngưỡng các điệu múa dân gian độc đáo giữa tiếng trống Paranưng, tiếng kèn Saranai với những âm thanh độc đáo khó quên phô diễn vẻ đẹp của con người Chămpa. Ngoài ra còn vô vàn những lễ hội hấp dẫn khác đang chờ đợi du khách khám phá như lễ hội Chabun, lễ cầu ngư, lễ cầu đảo, Roya…

Apsara Dance 2

Làng nghề truyền thống

Người Chăm còn nổi tiếng với những tác phẩm nghệ thuật thủ công khéo léo của mình như dệt thổ cẩm, làm đồ gốm, điêu khắc, kim hoàn…. Tuy nhiên, ngày nay các nghề trên ít nhiều đã bị mai một, người Chăm chỉ còn được biết đến với nghề làm đồ gốm và dệt. Làng dệt Mỹ Nghiệp và làng gốm Bàu Trúc là 2 làng nghề truyền thống nổi tiếng của người Chăm hiện đang được bảo tồn và cũng đồng thời thu hút khách du lịch.

Anh 7

Dệt thổ cẩm Chăm chú trọng sự tinh tế, tỉ mĩ trong từng chi tiết với các màu sắc hoa văn sặc sỡ, tuy nhiên tất cả đều gắn liền với các quy luật riêng. Những tấm vải với các hoa văn màu sắc tinh tế, được tạo ra bởi những đôi tay khéo léo của những cô gái Chăm trên những khung dệt Jih Dalah, một loại khung dệt chỉ có ở người Chăm. Đây thật sự là một nền nghệ thuật dân gian độc đáo, đầy tính thẩm mỹ và mang một màu sắc riêng biệt không giống với bất cứ đâu.

tour-lang-gom-bau-truc

Nếu như người Kinh tự hào có làng gốm Bát Tràng thì người Chăm có làng gốm Bàu Trúc. Hoàn toàn được làm bằng bằng tay và đặc biệt là không dùng bàn xoay. Người nghệ nhân làm gốm sử dụng kỹ năng đôi tay thành thục và đôi mắt thẩm mỹ của mình với sự đam mê và kiên trì tạo nên những tác phẩm nghệ thuật tuyệt hảo, làm nên danh tiếng cho làng gốm Bàu Trúc.

du-lich-lang-gom-bau-truc_du-lich-viet

Năm 2014, làng gốm Bàu Trúc đang chuẩn bị hồ sơ để đệ trình công nhận là Di sảnVăn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Ẩm thực

Cuối cùng, văn hóa ẩm thực là điều không thể thiếu khi nói về người Chăm. Người Chăm ăn uống khá đơn giản, không cầu kỳ, tuy nhiên vì theo những tôn giáo khác nhau, nền ẩm thực của họ lại có sự đa dạng độc đáo và còn chứa đựng cả 1 triết lý sống. Nét ẩm thực Chăm còn thể hiện sự hài hòa qua sự thay đổi theo từng vùng miền nhằm hòa hợp với khẩu vị và địa hình của Việt Nam, vì thế ta thấy người Chăm miền Trung có các đặc sản như: gỏi giông lá giang, canh chua đặc với cá tràu… còn người Chăm Nam Bộ lại có các món: cà ri Chăm, tung lò mò, bánh hanam parang…