Dừng chân nơi Tây Nguyên đại ngàn, khám phá nét đẹp hùng vĩ của núi rừng, sông hồ hay tìm hiểu nét đặc trưng văn hóa của các dân tộc bản địa sẽ cho bạn chuyến hành trình tuyệt vời, thế nhưng điều đó không thật sự trọn vẹn khi chưa thưởng thức những món ngon đặc sản mà chỉ nơi đây mới có, mới ngon.
Cơm lam
Cơm lam là một món ăn truyền thống của đồng bào Tây Nguyên, thường được thưởng thức trong các dịp lễ tết hoặc đãi bạn bè và được ví như là bánh chưng, bánh tét của người Kinh.
Loại gạo được sử dụng để nấu cơm lam là gạo nếp. Gạo sau khi vo sạch được lèn vào các ống nứa dài, chứa nhiều nước. Sau đấy, cơm sẽ được nướng đều trên than lửa hồng, quá trình nướng cũng đòi hỏi phải có kinh nghiệm để cơm chín đều, không bị cháy. Cơm sau khi đã chín, chỉ cần bật nhẹ là các ống nứa sẽ bung ra, tỏa ra một mùi hương thoang thoảng của núi rừng.
Cơm lam thường được đồng bào Tây Nguyên ăn chung với các loại thịt nướng, nhưng phổ biến nhất là món gà nướng.
Gà nướng
Gà nướng Tây Nguyên là một trong những món ăn dân dã của đồng bào Tây Nguyên thường được ăn chung với món cơm lam. Ngày nay, gà nướng – cơm lam đã là đặc sản không thể bỏ qua của mỗi du khách khi đến thăm vùng đất này.
Gà được sử dụng là gà thả vườn, thịt săn chắc, trọng lượng vừa phải. Gà sau khi làm sạch sẽ được kẹp trên những ống tre, nướng đều với lửa cho đến khi có màu vàng ngậy hấp dẫn. Điểm đặc biệt là gà không hề được chế biến, tẩm ướp thêm bất cứ gia vị nào, do đó thực khách sẽ cảm nhận được trọn vẹn mùi vị đậm đà của thịt. Gà nướng Tây Nguyên nhất định phải ăn với muối ớt, hoặc muối sả có thể thêm chút chanh, chắc chắn mùi vị sẽ khiến thực khách không thể nào quên.
Lẩu cá lăng
Là loại cá có nhiều ở dòng sông Serêpok, cá lăng là đặc sản được rất nhiều đồng bào Tây Nguyên ưa chuộng. Cá được chế biến thành nhiều kiểu hấp dẫn như : nướng, bún cá lăng, kho măng, canh chua… nhưng nổi bật nhất là món lẩu cá lăng.
Cá nấu lẩu phải là những con cá còn tươi, vừa được mang về. Thịt cá lăng săn chắc, thơm ngọt hơn hẳn các loại khác. Sau khi được làm sạch và chế biến một cách công phu để giảm bớt mùi tanh, cá sẽ được cắt thành những phần nhỏ để ăn kèm với lẩu. Thịt cá lăng thơm ngon, đậm đà được ăn kèm với vị bùi bùi của rau rừng Tây Nguyên cùng với vị cay nồng của nước lẩu sẽ đem lại cho thực khách những trải nghiệm tuyệt vời.
Bò nướng ống tre
Bò nướng ống tre là một món ăn quen thuộc mang nét ẩm thực độc đáo và sáng tạo của đồng bào dân tộc Tây Nguyên.
Người ta thường chọn những con bò tơ, được thả rong trên những cánh đồng. Sau khi thịt bò được rửa sạch và trộn với các gia vị, thịt bò sẽ được nhồi vào các ống tre sau đấy lấy lá dứa bịt kín lại. Bò được nướng trên lửa than, khi những ống nứa bên ngoài bắt đầu cháy xém, tỏa ra mùi hương thoang thảng là lúc thịt đã chín. Điều đặc biệt là thịt được nướng nhưng không nghe mùi khét của khói hoặc bị cháy đen mà vẫn giữ được màu sắc tươi ngon hấp dẫn. Thịt bò được ăn kèm với các loại rau rừng mang lại một hương vị đậm đà mà vẫn thanh tao của núi rừng Tây Nguyên.
Gỏi lá rừng
Gỏi lá rừng là món ăn đạm bạc bình dân đối với đồng bào Tây Nguyên nhưng lại có sức hút kỳ lạ đối với du khách khi đặt chân đến đây.
Có rất nhiều loại lá rừng ở Tây Nguyên được các đồng bào ở đây sử dụng làm món ăn, mỗi loại đều có tính chất và giá trị dinh dưỡng riêng. Các loại lá ở đây thường được dùng để ăn với lẩu, ăn với gỏi hoặc sẽ được gói để ăn với thịt heo luộc ba chỉ, cá lăng nướng hoặc tôm… Mùi thơm thanh tao của rau hòa quyện với vị ngọt của thịt cùng nước chấm đậm đà sẽ khiến thực khách nhớ mãi không quên.
Rượu cần
Đến Tây Nguyên uống rượu cần thì du khách mới thực sự hòa nhập vào núi rừng và con người nơi đây. Rượu gắn liền với các đồng bào từ ngàn xưa và cho đến tận ngày nay, thể hiện những nét văn hóa cộng đồng và sự hiếu khách nồng hậu.
Rượu được làm từ những nguyên liệu bình dân như: bắp, sắn, gạo tẻ, một số loại cỏ… và được lên men bằng một số loại lá có tinh dầu, củ gừng hoặc riềng. Rượu có thể được lên men bằng những công thức cầu kỳ khác nhau trong những bình rượu hay còn gọi là ché. Rượu ủ khoảng 1 tháng là có thể sử dụng được, tuy nhiên càng để lâu rượu càng đặc và càng ngon. Uống rượu cần cũng cần đòi hỏi những quy tắc và lễ nghi nhất định.
Du khách hãy một lần đến với vùng đất Tây Nguyên thưởng thức cơm lam – rượu cần, để hiểu hết được sự nồng hậu của con người và thiên nhiên nơi đây.